Từ vụ Việt Á: Khi nào một người được miễn trách nhiệm hình sự?

(PLO)- Bộ luật Hình sự quy định căn cứ để cho một người thực hiện hành vi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (12-1), TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 38 bị cáo, căn cứ vào nguyên nhân, bối cảnh phạm tội, tính chất, mức độ hành vi, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, công - tội của từng người.

Trong số 38 bị cáo, có duy nhất một người được miễn trách nhiệm hình sự đó là cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh, bằng chính sách khoan hồng đặc biệt, theo HĐXX.

Đây cũng là quan điểm ở “phút thứ 90” của VKS, bởi trước đó, VKS đã đề nghị toà tuyên phạt ông Danh 10 tháng 4 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam.

HĐXX nhận định trong bối cảnh dịch bệnh, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Danh đã ở lại cương vị công tác, sát cánh chống dịch.

Tòa đánh giá ông Danh có hành vi sai phạm nhưng "dám nghĩ, dám làm", vì sức khỏe đồng bào, không tư lợi cá nhân, nhiều lần cảnh tỉnh bị cáo cấp dưới.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc, khi nào thì một người sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, đây có phải là trường hợp không có tội?

cuu-giam-doc-cdc-binh-duong-tu-choi-tien-cam-on-cua-viet-a-8650-1761.jpg
Cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á. Ảnh: CTV

Trước hết phải khẳng định người được miễn trách nhiệm hình sự là người có tội và đáng lẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (hậu quả pháp lý khi thực hiện hành vi phạm tội bằng các hình thức chế tài hình sự quy định tại BLHS như phạt tù, phạt tiền…) nhưng “được miễn” khi có đủ các căn cứ theo quy định. Đây là chế định thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.

Cụ thể, Điều 29 BLHS 2016 quy định người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong hai căn cứ: (i) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; (ii) Khi có quyết định đại xá.

Bên cạnh đó, người phạm tội “có thể” được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ:

(i) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

(ii) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

(iii) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Đặc biệt, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định một số trường hợp cụ thể “được miễn TNHS” và “có thể được miễn TNHS” bao gồm:

- Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản) được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm (Điều 16).

- Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 91 BLHS và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 (quy định về căn cứ miễn TNHS), thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 91).

- Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này (Điều 110).

- Người nào phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 247).

- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ (Điều 364).

- Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 365).

- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt (Điều 390).

Đáng lưu ý, người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ không có án tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm