'Miếng bánh' mỹ phẩm 4 tỉ USD rơi vào tay công ty nước ngoài

(PLO)- Thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng và hiện đang thu hút các doanh nghiệp Đức, Ba Lan, Hàn Quốc...quan tâm đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23 -11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Văn Phòng Đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan- Việt Nam”.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Các lĩnh vực hợp tác chính giữa hai quốc gia là nông sản, dược phẩm…trong đó mỹ phẩm là thị trường còn nhiều dư địa phát triển cho DN Ba Lan vào Việt Nam và ngược lại.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam, cho biết doanh thu thị trường mỹ phẩm Việt Nam khoảng 4 tỉ USD. Bình quân mỗi năm người Việt chi tiêu cho mỹ phẩm 15 USD trong khi Thái Lan 26 USD.

Từ năm 2013 đến năm 2020 xuất khẩu mỹ phẩm Việt Nam tăng 10%-15%, chủ yếu chế phẩm vệ sinh cá nhân, chế phẩm cho tóc, mỹ phẩm làm đẹp…Năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19 xuất khẩu đạt 874 triệu USD giảm 30% so với năm 2020. Năm 2022-2023 xuất khẩu dự kiến đạt 1,2 tỉ USD.

Doanh nghiệp Ba Lan giới thiệu sản phẩm tại buổi kết nối

Doanh nghiệp Ba Lan giới thiệu sản phẩm tại buổi kết nối

Theo ông Minh, trong nước hiện DN Việt chỉ chiếm 15%-20% thị phần còn lại là Châu Âu, Mỹ. Riêng DN Hàn Quốc đang chiếm gần 30% thị phần. Từ đầu năm đến nay có làn sóng DN các quốc gia đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư như Đức. Đặc biệt, mới đây hiệp hội làm việc với các đoàn DN Hàn Quốc khi họ muốn chuyển các nhà máy sản xuất mỹ phẩm từ một số thị trường sang Việt Nam.

Qua đó cho thấy DN Việt đang gặp nhiều thách thức khi với hàng trăm DN nhưng có khoảng 14 DN khá lớn, có thương hiệu nhưng chỉ trụ được ở phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số thị trường.

85% DN mỹ phẩm Việt là đại lý phân phối của các nhà mỹ phẩm nước ngoài. Hầu hết mỹ phẩm ngoại chiếm lĩnh các trung tâm thương mại (TTTM) các thành phố lớn.

Đơn cử công ty SG có kênh phân phối chủ yếu tập trung vùng nông thôn và các chợ, mỗi năm tiêu thụ khoảng triệu chai nước hoa. Lượng xuất khẩu qua Campuchia, Lào, Thái Lan…chiếm 40% doanh thu nhưng đến nay thương hiệu nước hoa của DN này vẫn chưa có mặt tại các TTTM.

Ông Minh cho rằng, trong ngành công nghiệp mỹ phẩm hầu hết các hãng đều phải mua nguyên liệu từ một số nơi cơ bản. Ví dụ nguyên liệu hóa chất nhập từ Đức, tinh dầu thảo mộc nhập từ Pháp… còn lại là do cách pha chế, bí quyết công thức riêng của mỗi DN. Quyết định vẫn là chiến lược quảng bá thương hiệu.

Mặc dù thời gian qua DN Việt đã cố gắng cải tiến công nghệ nhưng do đa số là DN nhỏ và vừa nên không theo kịp các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam chỉ tập trung vào chất lượng, thiếu quan tâm đến PR thương hiệu…nên mỹ phẩm Việt bị thua ngay trên sân nhà.

“Hằng năm DN Việt chi chưa tới 5% lợi nhuận để quảng cáo trong khi các DN nước ngoài sẵn sàng chi 20%- 30% lợi nhuận để quảng cáo. Chẳng hạn, DN muốn một dòng sản phẩm xuất hiện 30 giây phải chi 3 tỉ đồng nên DN Việt chỉ khuyến mãi cho người tiêu dùng” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cho biết dù chỉ chiếm khoảng 15% thị phần, DN mỹ phẩm Việt Nam đang nỗ lực giành lại thị trường hấp dẫn này đồng thời củng cố thị phần để xuất khẩu mạnh ra quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm