Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam (VN) đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỉ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỉ USD vào năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỉ USD trong năm 2021.
Trong tương lai, triển vọng của ngành này được dự đoán sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số... Thị trường dược phẩm ngày càng nóng lên khi có nhiều ông lớn tham gia vào cuộc đua chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp.
Cuộc đua đến từ các đại gia bán lẻ
Theo tính toán từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT trong năm 2021, VN có khoảng 57.000 nhà thuốc bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 85% thị trường trong tổng quy mô 7-8 tỉ USD của toàn ngành.
Con số này đã cho thấy nhiều dư địa phát triển chuyên nghiệp cho các đại gia bán lẻ. Những đơn vị này hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi của thị trường dược phẩm, đặc biệt là khi hiện nay chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ chiếm lĩnh 15% thị trường. Không quá ngạc nhiên khi nhận định từ Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng thị trường dược phẩm Việt trong tương lai sẽ được dẫn dắt bởi cuộc đua mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại.
Thực tế, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, những cái tên như Long Châu, Minh Châu, An Khang, Pharmacity… đang được chú ý nhiều nhất.
Các chuỗi nhà thuốc lớn, hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố tại TP.HCM. Ảnh: THU HÀ |
Sở hữu hơn 700 nhà thuốc trên toàn quốc, đại diện chuỗi nhà thuốc Long Châu nhìn nhận đây thực sự là mảnh đất màu mỡ và nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ lớn tham gia. Thị trường phân phối dược hiện nay vẫn còn phân mảnh, chủ yếu là nhà thuốc hộ gia đình.
“Việc có thêm nhiều chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ giúp thị trường phân phối ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hơn” - đại diện chuỗi nhà thuốc Long Châu nhấn mạnh.
Đơn vị này cũng đặt mục tiêu sẽ phủ rộng khắp 63 tỉnh, TP để nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm VN. Dự tính đến cuối năm hãng này sẽ nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 800 chi nhánh. Trên thực tế, lũy kế nửa đầu năm 2022, doanh thu của Long Châu đạt hơn 4.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỉ đồng, gấp 3,5 lần so với sáu tháng đầu năm 2021, hoàn thành 37% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022. Năm ngoái, Long Châu cũng là động lực tăng trưởng lớn nhất cho FPT Retail khi chiếm tới 18% tổng doanh thu và có lãi nhẹ trước dự kiến.
Một đối thủ nặng ký của FPT là Tập đoàn Thế Giới Di Động. Đơn vị này tham gia thị trường dược phẩm khá muộn (năm 2017) nhưng tới nay chuỗi nhà thuốc An Khang đã đạt mốc hơn 530 cửa hàng trên toàn quốc. CEO Đoàn Văn Hiểu Em thừa nhận thị trường hiện còn thiếu các chuỗi cửa hàng có quy mô lớn và hiện đại.
Theo World Bank, số người từ 65 tuổi trở lên của VN sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số, thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Câu chuyện này từng xảy ra ở Trung Quốc cách đây 10 năm, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng phân tích chi tiêu cho thuốc trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 ngang bằng với VN vào năm 2018 (41 USD) và đạt tốc độ tăng trưởng 11% trong giai đoạn tám năm sau đó. Do đó, sức tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm ở VN vẫn còn rất khả quan, đặc biệt ở một thị trường phân mảnh, chưa có đơn vị thống trị và đầy tiềm năng như bán lẻ dược phẩm.
“Cơ hội trên thị trường dược phẩm còn rất nhiều. Nếu tính ba chuỗi dược lớn nhất là Pharmacity, Long Châu cùng An Khang thì mới có hơn 2.000 cửa hàng. Theo tôi, bất cứ lĩnh vực nào có nhiều bạn đồng hành sẽ làm thị trường tốt hơn, nhất là bán lẻ. Trên cùng một con đường đồng thời có nhiều nhà thuốc lớn cũng là tín hiệu tốt” - ông Đoàn Văn Hiểu Em phân tích.
Hiện nay, tốc độ mở chuỗi cửa hàng của An Khang đang vượt hơn kỳ vọng ban đầu của ban giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. “Hơn ai hết, tôi cảm nhận được hơi thở của chuỗi này như thế nào, tin chắc cuối năm nay An Khang sẽ có lời” - vị này nói.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, số lượng cửa hàng không hẳn là yếu tố quyết định sự thành công của một chuỗi. Ở thời điểm hiện tại, theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, ước tính mỗi cửa hàng Long Châu đem về 1,3 tỉ đồng/tháng trong quý I-2022, mỗi cửa hàng An Khang mang về 700-800 triệu đồng/tháng và đã có lãi, Pharmacity với 1.000 chi nhánh, ước tính đạt 500 triệu đồng/tháng.
Mới đây, với sự trợ lực từ SK Group, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, rót xuống 100 triệu USD, Pharmacity rất có thể sẽ hoàn thành được mục tiêu mở rộng quy mô lên 5.000 nhà thuốc vào năm 2025. Ông Chris Blank, cựu Tổng giám đốc Pharmacity, từng chia sẻ rằng Pharmacity muốn 50% người dân VN có thể tiếp cận nhà thuốc trong vòng 10 phút lái xe và đặt tham vọng đạt doanh thu hơn 3 tỉ USD.
Triển vọng cho ngành thuốc bán lẻ
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định động lực tăng trưởng của ngành dược phẩm đến từ sự mở rộng các nhà thuốc và bệnh viện cũng như chi tiêu bình quân cho dược phẩm ngày càng lớn. Về dài hạn, động lực tăng trưởng còn đến từ xu hướng già hóa của dân số VN.
Trong khi đó, một phân loại của IQVIA Institute cho rằng VN được xếp vào nhóm quốc gia có ngành dược mới nổi. Tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập đầu người cải thiện rõ rệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng là những động lực cho ngành dược phẩm phát triển.
Báo cáo của SSI cũng nhận định các công ty dược phẩm bán lẻ sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai gần. Công ty chứng khoán này chỉ ra một số triển vọng như kênh nhà thuốc vẫn có thể giành thêm thị phần từ kênh bệnh viện. Nhu cầu về vitamin và thực phẩm chức năng ngày càng tăng, chi tiêu của người tiêu dùng dù bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhưng chi tiêu cho dược phẩm vẫn ổn định do tính thiết yếu của các sản phẩm.
Các chuỗi nhà thuốc lớn, hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố tại TP.HCM. Ảnh: THU HÀ |
Như vậy, các chuỗi nhà thuốc sẽ có thể chuyển phần chi phí gia tăng sang khách hàng. Các chuỗi nhà thuốc mở cửa hàng mới có thể thương lượng điều khoản với nhà cung cấp nhằm tăng tỉ suất lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận ròng có thể không cải thiện nhiều do mở mới nhiều cửa hàng.
SSI cũng lưu ý thêm nhu cầu về vitamin và thực phẩm chức năng có thể giảm do đại dịch dần dần được kiểm soát. Ngoài ra, lượt khám bệnh tại bệnh viện sẽ dần phục hồi cùng với sự mở cửa hoàn toàn của nền kinh tế làm giảm nhu cầu tự mua thuốc.
Đại dịch vừa qua phần nào đã làm cho người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, cũng như chú ý các sản phẩm để chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Đây có thể xét là yếu tố thuận lợi.
Tuy nhiên, để có khách hàng đến nhà thuốc là cả quá trình vô cùng vất vả. Các chuỗi nhà thuốc lớn hiện nay đều cố gắng thay đổi mỗi ngày, hoàn thiện tốt hơn từng khâu phục vụ khách hàng để khách hàng luôn có trải nghiệm ưng ý nhất và nhớ đến thương hiệu của họ khi có nhu cầu mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Nhiều ông lớn nhắm tới ngành dược
Ngoài ba cái tên kể trên, thị trường gần đây cũng ghi nhận thêm nhiều cái tên khác như Phano Pharmacy, nhà thuốc Mười hay kỳ cựu hơn là chuỗi nhà thuốc Minh Châu…
Bên cạnh đó, Công ty CP Bamboo Capital từng liên tục rót vốn vào Dược phẩm Tipharco hay Công ty CP Thế Giới Số đầu tư vào Đại Tín Pharma. Công ty con của Công ty CP Tập đoàn Masan là WinCommerce đã góp vốn thành lập chuỗi nhà thuốc Dr.Win.
Thị trường gần đây cũng xôn xao trước thông tin Viettel bất ngờ lấn sân bán lẻ thuốc, đưa thị trường vào cuộc đua mới. Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettel Commerce), công ty con của Viettel đã gửi thư mời chào giá về cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế. Các sản phẩm này sẽ được bán trong hệ thống nhà thuốc Viettel.