Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng sử dụng mỡ động vật (mỡ heo) sẽ tốt hơn sử dụng dầu thực vật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng mỡ heo chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol dẫn đến béo phì. Từ đó, người tiêu dùng phân vân không biết nên sử dụng dầu thực vật hay dùng mỡ heo để tốt cho sức khỏe.
Cả mỡ heo và dầu thực vật đều cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ảnh: NV
Lợi ích của mỡ heo và dầu thực vật
Giải đáp về vấn đề này, bác sĩ Bùi Thị Thu Hoài, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, tiết chế, BV đa khoa Sài Gòn cho biết: Trong mỡ heo có chứa 40% chất béo bão hòa, khoảng 50-60% chất béo không bão hòa đơn và khoảng 10% chất béo không bão hòa đa.
Trong mỡ heo còn giàu vitamin B, D và các khoáng chất tốt cho sức khỏe, vitamin D thúc đẩy sự hấp thu canxi của cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ heo có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp.
Mỡ heo nếu chế biến tốt sẽ là nguồn cung cấp chất béo phong phú với lượng calo cao cho cơ thể. Hơn nữa, trong mỡ còn chứa lecithin và cholesterol, là loại chất mà cơ thể rất cần. Choleterol có vai trò quan trọng với não bộ, thần kinh sức bền của thành mạch máu, chỉ khi thừa hoặc thiếu cholesteron mới ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nếu không sử dụng mỡ heo trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó hấp thu vitamin A dẫn đến thiếu hụt vitamin A, tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương, làm rối loạn nội tiết tố, gây suy nhược cơ thể, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Đối với dầu thực vật, chúng có chứa nhiều axit béo không no có hoạt tính sinh học cao, đóng vai trò chuyển hóa cholesterol, có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, cao huyết áp,… Ngoài ra, chúng còn chứa các vitamin tan trong dầu như: Vitamin E,K dễ hấp thu qua đường tiêu hóa.
Mỡ heo không gây béo hơn dầu thực vật vì 1 gam, dầu và mỡ đều cung cấp 9 calo như nhau, cho nên dù ăn dầu hay mỡ đều tăng cân như nhau.
Tiêu thụ với liều lượng phù hợp
Mặc dù cả mỡ heo và dầu thực vật đều cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng nếu sử dụng nhiều và không đúng cách chúng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hoài cho biết: “Trong các bữa ăn hàng ngày nên bổ sung thêm mỡ heo theo chế độ hợp lý. Mỡ heo thích hợp với những người bị bệnh như: Thiếu máu, suy dinh dưỡng, tóc gãy dụng, phụ nữ sau sinh …
Đối với trẻ nhỏ, mỡ heo đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và góp phần ngăn ngừa bệnh cận thị. Tuy nhiên, nhóm người trong độ tuổi 50 trở lên cần phải hạn chế dùng mỡ heo”.
Việc sử dụng mỡ heo với liều lượng hợp lý, phù hợp với từng lứa tuổi và giai đoạn phát triển đều mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe của người dùng.
Liên quan vấn đề này, TS. Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM cho biết, mỡ heo cung cấp năng lượng cho cơ thể, chúng chứa nhiều axit béo bão hòa, theo khuyến nghị các axit này không nên vượt quá 10% năng lượng khẩu phần. Vì vậy, khi tiêu thụ mỡ heo cần tiêu thụ với liều lượng phù hợp.
Trong dầu thực vật cũng có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu thực vật để chiên hoặc nấu cần lưu ý để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Dầu thực vật thường có hai loại là dầu để nấu, chiên, và dầu để ăn sống, khi chúng ta nấu nướng ở nhiệt độ cao và thời gian kéo dài thì chất béo không no trong dầu đổi thành chất béo trans (trans fat) sẽ không cói lợi cho sức khỏe, dễ gây bệnh tim mạch. Vì vậy, khi chiên, xào bằng dầu thì không nên chiên, xào quá lâu hoặc ở nhiệt độ cao”, TS. Phan Thế Đồng nói.
Cũng theo TS. Phan Thế Đồng, chúng ta không nên loại bỏ hoàn toàn dầu thực vật hay mỡ heo vì chúng cũng có vai trò cung cấp năng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta cần sử dụng với liều lượng phù hợp và chế biến chúng đúng cách.