“Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ của doanh nghiệp (DN) vẫn còn tồn tại”. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy tại hội nghị thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL diễn ra ngày 26-2 ở Đồng Tháp.
Vấn đề đang vướng là tiền
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút hành động để “giải cứu” giá lúa gạo đang xuống thấp.
Là DN đứng đầu về đầu tư cánh đồng mẫu lớn với 9.000 ha được triển khai ở năm tỉnh của ĐBSCL, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Gạo Trung An, cho rằng cần phải đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời phải liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo hiệu quả cho đầu ra của lúa gạo. Song vấn đề hiện nay đang vướng chính là tiền.
Ông Bình nói: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn cụ thể đã có rồi nhưng vấn đề là phải thực hiện tốt mô hình để đảm bảo quản lý được chất lượng lúa gạo. Nông dân thích vào mô hình để DN bao tiêu sản phẩm và DN vẫn thích mua nhưng vướng mắc lớn nhất ở đây là thiếu tiền vốn để thực hiện mô hình. Ngân hàng cho vay xuất khẩu nhiều rồi nhưng cần thay đổi tư duy, nghĩa là cho vay từ khâu sản xuất để thực hiện mô hình này”.
Liên quan đến vấn đề vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cam kết cung cấp đầy đủ tín dụng cho DN và người dân trong các hoạt động thu mua, tạm trữ và xuất khẩu lúa gạo.
“Một điều rất quan trọng là các tổ chức tín dụng phải quan tâm chỉ đạo để đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện DN và nông dân tiếp cận vốn. Đồng thời có gói tín dụng, kỳ hạn cho vay linh hoạt để đáp ứng từng phương án kinh doanh của DN. Để hỗ trợ người dân và DN, hôm nay Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại đã thống nhất cam kết cho vay ngắn hạn để thu mua lúa gạo vụ đông xuân với lãi suất 6%” - thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: Tư duy “cả hai cùng thắng” phải chi phối cách nghĩ của cả doanh nghiệp và nông dân. Ảnh: HD
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Công Thương làm việc lại với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các công ty đầu mối để thực hiện nghiêm túc và có giám sát quy định mua dự trữ gạo theo quy định. Riêng đối với Bộ NN&PTNT, tổ chức triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gạo đáp ứng thông lệ và quy định của thị trường.
Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Bộ Công Thương họp với các DN xuất khẩu gạo để bàn giải pháp thúc đẩy, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức đoàn công tác thúc đẩy xúc tiến thương mại gạo tại thị trường các nước như Philippines.
Để thoát khỏi “lời nguyền” lúa gạo
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng để thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo cần kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn. Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục phải giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng thấp”.
Giá lúa bắt đầu nhích lên Theo Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2018, giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1-2019 ước đạt 373.000 tấn, giá trị đạt 167 triệu USD, giảm 24,2% về khối lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc chững lại, các thị trường khác chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy vậy, trong 1-2 ngày qua, giá lúa trên thị trường có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhích lên khoảng 200 đồng/kg. |
“Để vượt lời nguyền đó không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện” - ông Lê Minh Hoan đề nghị.
Bí thư tỉnh Đồng Tháp đánh giá hợp tác xã là “cứu cánh” duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Hợp tác xã không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp. Qua đó vừa mang lại nguồn thu, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên hợp tác xã và nông dân.
“Nhìn với góc độ khác, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị như định hướng của nhiều DN và đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo” - ông Hoan phân tích.
Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh quan điểm giảm diện tích trồng lúa là chủ trương phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường nhưng cần cụ thể hóa chủ trương này thành kế hoạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết. Không để chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro ngành hàng nông sản khác. Có điều tất cả lại đang trông chờ vào bản quy hoạch tích hợp.
Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận rằng muốn thoát nghèo, muốn vươn lên thì phải liên kết, phải vào hợp tác xã. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng bà con nông dân còn rất khổ. Sản xuất lúa gạo hằng năm vẫn vậy nhưng chỉ mới gió heo may là đã ốm ngay, giá lúa mới hạ xíu là đã khó khăn, phải giải cứu.
“Nhà nước phải có chính sách căn cơ, lâu dài chứ không thể giải cứu lòng vòng hết heo lại đến cá, tôm, lúa, hành...” - ông Trần Văn Chuyện nêu thực tế.
Đừng để thị trường lúa gạo méo mó vì lợi ích cục bộ Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan đúc kết: Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa nông dân và DN phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua. Tư duy “cả hai cùng thắng” phải chi phối cách nghĩ của cả DN và nông dân.
Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lợi ích cục bộ. Vai trò dẫn dắt thị trường của DN là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó. “Dẫu biết rằng thị trường luôn không bằng phẳng, dẫu biết rằng DN cũng kinh doanh vì lợi nhuận nhưng hơn 10 triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL mong sao bớt đi sự phập phù, thấp thỏm qua từng mùa vụ” - Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan tha thiết. |