Mời góp ý luật rồi… để đó!

Đó là ý kiến của đa số các doanh nghiệp (DN), luật sư, chuyên gia và cả đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại hội thảo “Vai trò của DN trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” (VBQPPL) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20-8 tại TP.HCM.

Góp ý mang tính hình thức

“Chỉ mới có 4% DN được tham gia vào giai đoạn ý tưởng, dự thảo văn bản luật”.  Tỉ lệ này được ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TP.HCM, đưa ra làm nhiều người giật mình. Theo ông Liêm, trong thực tiễn tham gia xây dựng chính sách và pháp luật, nhiều ý kiến của DN đã không được tiếp thu hoặc DN góp ý nhưng không có ý kiến phản hồi giải thích từ phía cơ quan ban hành văn bản pháp luật. Nhiều DN đã nghiên cứu công phu, góp ý tích cực với các nội dung rất xác đáng được cộng đồng DN ủng hộ nhưng rồi văn bản pháp luật khi ban hành không hề có sự thay đổi. Phải chờ khi văn bản pháp luật đó có hiệu lực, áp dụng vào thực tế thì gặp vướng mắc như ý kiến DN đã góp ý, các cơ quan ban ngành mới lật đật tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN rồi sửa. Thông tư 20/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng bị nhiều DN phản ứng mới đây là một ví dụ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho hay: Đa phần quy trình xây dựng văn bản pháp luật ở địa phương thường các sở, ban ngành tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo VBQPPL. Nếu có tham gia của hiệp hội thì chủ yếu là đoàn luật sư được mời tham gia. DN không được tham gia dù DN chính là đối tượng chịu tác động ảnh hưởng từ quy định đó. Thông thường, DN chỉ còn cách lên tiếng kiến nghị khi bị ảnh hưởng quyền lợi nhưng lại là sau khi văn bản pháp luật đã ban hành.

Nếu DN được tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật thì các văn bản ban hành sẽ phù hợp thực tế và đạt được hiệu quả cao nhất. Trong ảnh: Đại diện DN trong một cuộc đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hải

Ông Tuấn dẫn chứng: “Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính yêu cầu đối với DN mới thành lập năm 2014, điều kiện để sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, tính thuế theo phương pháp khấu trừ là DN phải đầu tư máy móc thiết bị ghi trên hóa đơn 1 tỉ đồng không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Trong khi đó, có rất nhiều DN mới thành lập là đơn vị thương mại, dịch vụ, tư vấn nên việc đầu tư ban đầu không cần thiết phải mua sắm tài sản đến 1 tỉ đồng. Bất cập của Thông tư 219 không chỉ làm giảm sự cạnh tranh giữa các DN hoạt động lâu năm và DN mới thành lập mà kìm hãm sự phát triển của DN. Dù DN đã nhiều lần góp ý nhưng vẫn không thấy thay đổi gì”.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN Khu công nghiệp (KCN) TP.HCM, phản ánh: “DN không sợ luật mà chỉ sợ văn bản dưới luật”. Theo ông thì các DN đầu tư hạ tầng, KCN như ngồi trên đống lửa trong thời gian chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014). DN đang lo ngại về số tiền thuê đất phải nộp sẽ là một gánh nặng tài chính trong thời gian tới. Có đến 10 thông tư sẽ lần lượt được ban hành để hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện Luật Đất đai sửa đổi bên cạnh năm nghị định đã được ban hành trước đó. “Cứ rối mù kiểu này DN còn khó để góp ý chứ chưa nói đến việc góp ý có được tiếp thu sửa đổi hay không” - ông Bé nói.

Cần lập cơ quan chuyên trách làm luật

Ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC, cho rằng quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật khép kín không đảm bảo tính khách quan, thậm chí cơ quan cấp dưới được giao thẩm tra văn bản của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan cùng cấp thẩm tra lẫn nhau thì không thể tránh khỏi sự nể nang. Mặc dù có thể lấy ý kiến các đối tượng khác nhau nhưng không đảm bảo cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu vì đối tượng góp ý kiến không có thẩm quyền yêu cầu chỉnh sửa hoặc thông qua văn bản đó. Về giám sát việc kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật lại cũng chính cơ quan ban hành tự kiểm tra, xử lý văn bản do mình ban hành, đây khác nào là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Theo ông Sơn, dự án xây dựng Luật Ban hành VBQPPL ra đời là thực sự cần thiết nhằm đơn giản thủ tục hành chính, chống sự chồng chéo. Tuy nhiên, luật này cần phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn. Đó là bãi bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của bộ, cơ quan ngang bộ; giảm bớt nghị định của Chính phủ, tăng cường pháp lệnh và luật; việc soạn thảo luật phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN KCN TP.HCM, kiến nghị phải có lộ trình để Quốc hội xây dựng bộ máy trực tiếp làm luật vì nếu tiếp tục để cơ quan hành chính, hành pháp viết luật thì lợi ích nhà nước, lợi ích quản lý vẫn được họ đặt lên hàng đầu. Còn lợi ích DN lại là thứ cấp, đó là chưa kể có thể phát sinh lợi ích nhóm.

QUANG HUY

Làm sao để dân “nói” - chính quyền “nghe”?

Tham vấn công chúng là khâu bắt buộc trong lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo cơ hội để người dân tham gia phản biện, điều chỉnh các chính sách, quy định pháp luật cho phù hợp với nguyện vọng xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng (Hàm Vụ trưởng - Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội) nhận xét: “Nhiều văn bản pháp quy ban hành vài năm đã phải sửa hoặc vừa ban hành đã vướng bất cập, thực thi khó khăn, dân kêu nhiều. Trên trang web duthaoonline.vn của Quốc hội đăng tải các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định nhằm tham vấn góp ý của người dân nhưng rất tiếc nhận được rất ít ý kiến. Nhiều dự thảo chỉ nhận được vài ba góp ý, có dự thảo không nhận được ý kiến nào. Dân không phản biện là điều đáng lo. Vì không phải dự thảo đã hoàn thiện, không cần góp ý sửa đổi mà có thể là do người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm thực hiện quyền của mình”.

. Dân không chịu “nói” thì chính quyền sẽ “lắng nghe, tiếp thu” thế nào khi ban hành chính sách, văn bản pháp luật?

+ Đó sẽ là thất bại của nhà soạn luật. Mục tiêu của cơ quan ban hành chính sách, pháp luật luôn mong muốn luật đi vào đời sống, đạt được hiệu quả cao nhất, nếu không nắm bắt được nguyện vọng của đối tượng tác động, dự báo những vấn đề phát sinh thì chưa đạt yêu cầu và sau này phải “chạy theo” giải quyết những vấn đề tồn đọng. Đơn cử là khi đưa ra các quy định ưu đãi thúc đẩy đánh bắt xa bờ, các cơ quan chức năng cứ nghĩ rằng đã đủ để đảm bảo quyền lợi ngư dân. Đâu ngờ khi đi giám sát, đoàn đại biểu Quốc hội ngỡ ngàng thấy những xóm biển nhộn nhịp trước kia nay đìu hiu. Trước kia mỗi ngày chồng con đi chài lưới về, phụ nữ đem hải sản ra chợ bán, nay 15-30 ngày tàu cá mới về, họ không có việc, chơi dài rồi phát sinh bài bạc… Nếu người dân có ý kiến sớm chuyện “đánh bắt xa bờ thì người ở nhà sẽ làm gì” thì chắc chắn họ sẽ được thụ hưởng một số chính sách học nghề, hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề… Đó là lợi ích chính mình mà họ lại bỏ quên. Còn chính quyền địa phương sẽ không phải chạy theo giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh.

. Làm sao tạo động lực cho người dân góp ý chính sách, pháp luật, thưa ông?

+ Để tăng hiệu quả tham vấn công chúng, cần chú trọng xác định nhóm trọng tâm cần lấy ý kiến, hỏi những vấn đề người dân quan tâm, liên quan điều kiện dân sinh, quyền lợi người dân, còn những quy định mang tính quản lý nhà nước thì người dân ít quan tâm nên tham vấn thì họ cũng sẽ ít góp ý. Nội dung lấy ý kiến phải rõ, ngôn ngữ đơn giản, đại chúng để người dân hiểu được ý tưởng của nhà soạn thảo luật thì họ mới có thể góp ý được. Nhất là nên tham vấn ý kiến người dân ngay từ khi có ý tưởng, chủ trương về chính sách, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đó. Vì người dân ít đi sâu vào kỹ thuật lập pháp trong từng điều khoản nhưng họ sẽ gợi mở những vấn đề cần có quy định giải quyết. Trên cơ sở những vấn đề người dân góp ý, nhà soạn luật sẽ dự thảo những điều khoản quy định cụ thể. Như thế, dự thảo khi hoàn thành cơ bản đã thể chế hóa được nguyện vọng người dân, phù hợp thực tế nên sẽ ít phải sửa đổi, điều chỉnh và như vậy ít gây tốn kém, uổng phí.

BÌNH MINH thực hiện

________________________________________

Thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật cũng rất bất thường vì “siêu tốc”. Thông tư 219 của Bộ Tài chính ký ngày 31-21-2013 nhưng chỉ đúng một ngày sau (1-1-2014) thì có hiệu lực. Chính điều này đã làm DN không kịp ứng phó, kiểu xây dựng và ban hành luật của các cơ quan quản lý chẳng khác nào là khép kín nội bộ, xem thường ý kiến DN. 

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN,  
Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai

Cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan thẩm định VBQPPL và thẩm quyền cho Cục Kiểm tra văn bản. Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm xem xét, quyết định ý kiến góp ý nào phù hợp với thực tiễn khi có những mâu thuẫn để đảm bảo tính khách quan và tính thống nhất của các văn bản trên cùng một quốc gia.

Luật sư LÊ NẾT, Công ty Luật LNT & Partners

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm