Mỗi tháng người Việt chứng kiến 2,5 triệu phiên livestream bán hàng

(PLO)- Tại Việt Nam, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được ông Bùi Huy Dũng, Giám đốc điều hành Accetrade Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 diễn ra vào sáng ngày 24-4, tại TP.HCM.

Theo ông Dũng, trong những năm gần đây thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó shopping livestream (mua sắm qua livestream) đang là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream hiện nay, chiếm tới 62%.

"Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến qua livestream còn có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026"- ông Dũng nói.

Khảo sát của Accetrade, tại Việt Nam có ba nền tảng livestream phổ biến nhất gồm Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,25). Ước tính, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán.

Ông Dũng cũng dẫn số liệu được thực hiện bởi nền tảng Cốc Cốc chỉ ra có tới 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong đó có mua hàng trong phiên livestream.

Yếu tố khiến khách hàng cảm thấy thu hút ở hình thức này chính là sự trực quan khi quan sát sản phẩm, thông tin tư vấn cụ thể và giá bán thấp hơn, cạnh tranh hơn. Cùng với đó, yếu tố tương tác và cung cấp thông tin bởi người livestream cũng rất quan trọng để tạo nên một phiên live thắng lợi.

Đồng quan điểm với những thông tin từ Accetrade, bà Dương Hồng Mỹ Linh, quản lý cao cấp bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng NielsenIQ nhìn nhận, trung bình người Việt đang dành 13 tiếng/tuần để xem livestream. Khảo sát của đơn vị này còn chỉ ra có tới 95% đáp viên cho biết họ đã từng mua sắm trực tuyến qua hình thức livestream trong suốt 3 tháng qua.

Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam. Và động lực đầu tiên để mua hàng của nhóm khách hàng này chính là những ưu đãi, khuyến mãi.

Bà Linh đề xuất, các nhà bán có thể tiếp tục phát triển kênh bán hàng này trong tương lai, và tận dụng các chương trình hợp tác với KOL, KOC (người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng)... để hợp tác kinh doanh. Dù vậy, việc lựa chọn đối tác hợp tác cũng cần được lưu ý, để đảm bảo tính khách quan và hiểu sản phẩm, hiểu người tiêu dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm