TP.HCM muốn có thêm nhiều phiên livestream ý nghĩa

TP.HCM muốn có thêm nhiều phiên livestream ý nghĩa

(PLO)- Ngoài việc tiếp tục duy trì đào tạo cũng như các chương trình livestream hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người yếu thế, TP.HCM muốn thúc đẩy các phiên livestream ý nghĩa ở nhiều lĩnh vực

Trao đổi bên lề tọa đàm “Shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại” do TikTok Việt Nam vừa tổ chức, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) đang là xu hướng phát triển không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành phố khác.

Livestream bùng nổ và thách thức

Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của shoppertainment nói chung và phương thức kinh doanh livestream nói riêng tại TP.HCM trong thời gian qua?

.TS Trương Minh Huy Vũ: Phải thừa nhận rằng trong những năm gần đây, tại TP.HCM, tính giải trí đã bổ trợ rất nhiều trong hoạt động kinh doanh, không chỉ trên các nền tảng mạng xã hội mà còn cả các sàn thương mại điện tử. Xu hướng này cũng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

livestream
TS Trương Minh Huy Vũ (ở giữa). Ảnh: THU HÀ

Trong đó, hình thức livestream là ứng dụng nổi bật của shoppertainment đang bùng nổ tại TP.HCM.

Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, livestream không phải là cây đũa thần để giải quyết các vấn đề của nhà bán, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nó chỉ là công cụ, cơ hội để chúng ta nghiên cứu, nắm bắt và thực hành đúng cách.

Bên cạnh đó, vai trò bệ đỡ của nhà nước cũng như các sở, ban, ngành cũng đang mang lại nhiều cơ hội cho xu hướng này phát triển tại Việt Nam, thông qua việc cung cấp thông tin, chương trình, đào tạo kỹ năng livestream....

Vậy đâu là thách thức của xu hướng shoppertainment nói chung và livestream nói riêng, thưa ông?

. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước và chính sách, hai thách thức lớn nhất phải đối mặt trong xu hướng Shoppertainment là chuyện hàng gian hàng giả và việc không thu được thuế.

Trong đó vấn đề thuế rất quan trọng vì không thể có chuyện người bán hàng trên các phiên livestream bán hàng không đóng thuế, trong khi người bán ở các shop lại phải đóng thuế. Vì thế, chúng ta phải công bằng trong chuyện này.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh tuyên truyền cũng như ban hành các chính sách quản lý thuế trong thương mại điện tử, song song với đó là quản lý về hàng gian hàng giả.

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác mà thị trường Shoppertaiment phải đối mặt, trong đó có hai vấn đề trọng tâm là cơ sở hạ tầng logistics và fintech (công nghệ tài chính).

Cần phải phát triển hệ thống logistics cắm sâu vào khu đô thị lớn như TP.HCM để tăng sự tiếp cận với người dùng, đồng thời giảm bớt chi phí, thời gian vận chuyển.

Đặc biệt, với các khu logistics ở khu đô thị lớn thì phải định hình đó là khu logistics gắn với thương mại điện tử, dựa trên các xu hướng mới. Chúng ta không thể nào xây một kho hàng quá xa, vậy thì làm sao mà bán được hàng?

Thứ 2 là về fintech, do đó các đơn vị phải tính toán các gói trả trước, trả sau, trả chậm, đổi hàng… tức là phải có cách.

Phát triển môi trường livestream ý nghĩa, lành mạnh

Để tiếp tục thúc đẩy Shoppertaimnet và livestream trong năm 2024, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM có kế hoạch gì, thưa ông?

. Hiện nay kế hoạch về phát triển TMĐT của thành phố (TP) cũng đang được tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến ở nhiều hạng mục.

Trong đó có 4 hạng mục quan trọng liên quan tới các hoạt động mạng xã hội và thương mại điện tử.

Đầu tiên, trong năm 2024, TP.HCM sẽ là đơn vị cấp địa phương đầu tiên hình thành và hoàn tất đề án TMĐT trên nền tảng mạng xã hội. Dự kiến trình trong quý II-2024.

Trong đề án này sẽ có một loạt các quan điểm, mục tiêu, chính sách về cả thương mại, giải trí, văn hóa. Đây sẽ là nền tảng cơ sở, quan điểm và pháp lý, thậm chí là cách ứng xử của TP với các xu hướng kinh doanh mới hiện nay.

Thứ hai, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình livestream như đã thực hiện tại chợ Bến Thành, Cần Giờ hay TP. Thủ Đức. Trong đó đối tượng chính mà chúng tôi muốn thúc đẩy hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hay người yếu thế.

Hiện các hoạt động này đã được đưa vào kế hoạch của Sở Công Thương và Sở Thông tin truyền thông, thực hiện như là các hoạt động thường xuyên. Hi vọng trong năm nay các hoạt động hỗ trợ livestream bán hàng sẽ phát triển hơn nữa.

livestream
TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các phiên livestream lớn và ý nghĩa. Ảnh: THU HÀ

Thứ ba, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy các phiên livestream lớn để thúc đẩy kinh doanh số thì trong năm nay sẽ đẩy mạnh chuỗi livestream ý nghĩa. Các phiên livestream này sẽ gắn với xu hướng lớn của của TP gồm xanh và số. Theo đó, các nền tảng như Tik Tok có thể đẩy mạnh các phiên bán hàng livestream với sản phẩm xanh, bền vững.

Năm nay, đồ án quy hoạch TP.HCM được kỳ vọng là sẽ chính thức thông qua trước ngày 30-6, khi đó sẽ mở đường cho các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở… Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về các mặt hàng “home living” (nhà ở) cao, chúng ta cũng có thể thúc đẩy các sản phẩm liên quan đến ngành hàng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì việc livestream các mặt hàng nói trên phục vụ nhu cầu của công nhân, người yếu thế là rất ý nghĩa, qua đó kích cầu tiêu dùng.

Thứ tư, theo quan điểm của viện và tôi thì TP luôn nhìn nhận KOL, KOC là một talent (người tài năng) với ba kỹ năng: kỹ năng bán hàng, kỹ năng văn hóa, kỹ năng số. Trong năm nay, một số đối tác sẽ hợp tác với thành phố triển khai kết hợp cùng KOL, KOC để tạo ra một lực lượng trẻ giúp các đơn vị truyền thống, nhỏ lẻ chuyển đổi số thành công.

Chính vì thế, TP mong rằng khi là một talent thì chúng ta nên có những quy tắc và ứng xử phù hợp, góp phần lan tỏa nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Từ đó hình thành một không gian mạng lành mạnh, là môi trường để người dùng không ngừng sáng tạo, học hỏi.

Đọc thêm