Mỗi tỉnh một quy định về phòng dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng

Sáng Chủ nhật 25-7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và những nội dung quan trọng khác.

Tâm điểm của các phát biểu vẫn là về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và cách thức chống dịch hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) sau khi tán thành những dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trong nước và tình hình quốc tế đã khẳng định: “Dịch bệnh khiến người dân và doanh nghiệp chịu đựng lớn”.

Đại biểu Thủy nêu 5 vấn đề nổi lên trong công tác phòng, chống COVID-19.

Đầu tiên là có nhiều địa phương sáng tạo, khoa học đã có nhiều biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của COVID-19 đối với đời sống người dân. Có những địa phương còn áp dụng các biện pháp “đón đầu dịch” như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo ra xét nghiệm mẫu gộp, từ đó không để mất “giờ vàng” trong chống dịch.

“Tuy nhiên cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, hoạt động của doanh nhiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều DN phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu vì mỗi tỉnh mỗi quy định…” - đại biểu Thủy phản ánh.

Bà cho rằng: Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.

Bà Thủy đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này khi công điện ngày 15-6 của Thủ tướng đã nêu rõ: Một số nơi áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời Thủ tướng cũng giao trực tiếp cho từng bộ trưởng phải rà soát, xử lý tình hình này.

Bà Thủy cũng đánh giá cao các biện pháp xử lý các vi phạm về chống dịch. Chẳng hạn xử lý kỷ luật Đảng và công vụ giám đốc Hacinco tại Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử HĐND tại Hà Nam. Thậm chí là khởi tố hình sự nhiều vụ án làm lây lan dịch ra cộng đồng.

“Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe”, đại biểu Thủy nói.

Bà cũng đánh giá cao việc Bộ Y tế yêu cầu không công khai danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân, chỉ công khai những địa điểm có bệnh nhân đến để người dân và cơ quan y tế áp dụng các biện pháp bảo vệ. Điều đó khiến người bệnh không bị “ném đá” trên mạng xã hội, không bị tổn thương và ảnh hưởng tới cuộc sống.

Đại biểu Thủy cũng ghi nhận những gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch như công an, quân đội, các y bác sĩ và sự đùm bọc nhau của nhân dân.

“Gần đây là Quỹ vắc-xin càng thấy được tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. Không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn cả sự chung tay, đồng lòng của người dân trong việc chấp hành 5K suốt hơn một năm qua. COVID đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân”, đại biểu Thủy nhận định.

Theo bà, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp. Do đó quyết định của Đảng, nhà nước quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Đại biểu Thủy kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng nhằm tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực.

Đồng thời Chính phủ giao các bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới