Một trong những quy định để được phép “bán nhà trên giấy” là chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng. Nhưng thực tế con đường để nắm được chứng thư bảo lãnh cũng như giao nhà của khách hàng lại không hề đơn giản.
Rất mệt mỏi
Chị Hoài Linh, nhà ở quận 2, TP.HCM mua căn hộ tại lock 2 thuộc dự án Sky9 tọa lạc ở đường Liên Phường, quận 9, TP.HCM. Dự án này do Công ty Phát triển Nhà Quốc Gia Khang Việt làm chủ đầu tư. Chị Linh kể đã ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư từ tháng 10-2016. Đến nay đã thanh toán giá trị căn hộ đến đợt thứ năm, tương đương 800 triệu đồng.
“Theo điều khoản cam kết trong hợp đồng, chỉ cần đóng tiền chậm quá 15 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi đợt đóng tiền theo tiến độ thi công dự án thì khách hàng sẽ bị đóng lãi phạt. Từ khi đặt cọc đến nay tôi chưa một lần đóng tiền trễ hẹn hay phải để chủ đầu tư nhắc nhở về việc thanh toán” - chị Linh nói.
Thế nhưng đã 10 tháng trôi qua, chị Linh vẫn chưa nhận được chứng thư bảo lãnh của căn hộ mà mình đã mua. Chị Linh bức xúc: “Tôi rất mệt mỏi vì lần nào nộp tiền tôi cũng yêu cầu chủ đầu tư giao giấy chứng thư bảo lãnh cho căn hộ đã mua. Nhưng lần nào tôi cũng chỉ nhận được một lý do nào đó để thoái thác trách nhiệm. Có lần nhân viên thu ngân gọi điện thoại cho lãnh đạo để hỏi thì được biết chủ đầu tư đang tiến hành làm các thủ tục. Rồi có lần họ lại nói thủ tục vướng ở phía ngân hàng nên không thể cấp một cách nhanh chóng cho khách hàng được”.
Chờ chứng thư bảo lãnh căn hộ mãi mà không có và nghi ngờ cam kết của chủ đầu tư, chị Linh đòi kiện công ty. “Trên thị trường không thiếu gì những dự án đang xây dở dang đột nhiên đóng băng vì nhiều lý do như thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực… Để đề phỏng rủi ro, tôi đã rất cẩn trọng trong việc tìm mua căn hộ tại dự án có chứng thư bảo lãnh. Mục đích là để yên tâm, nếu chủ đầu tư có chạy làng, không thể giao nhà thì số tiền mình đã thanh toán theo tiến độ dự án sẽ được phía ngân hàng trả lại. Cẩn thận là thế nhưng rốt cuộc tôi vẫn không thể nắm đằng cán” - chị Linh bức xúc nói.
Pháp luật cho phép chủ đầu tư bán nhà hình thành trong tương lai. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu mua nhà tại một dự án. Ảnh: THÙY LINH
Thiệt đơn thiệt kép
Nhiều người mua nhà khác cũng phải ngậm đắng nuốt cay như chị Linh. Họ cho biết pháp luật cho phép chủ đầu tư bán nhà hình thành trong tương lai nếu đáp ứng một số điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của những người mua nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng vẫn có không ít doanh nghiệp làm ăn thiếu nghiêm túc khiến không ít người mua nhà lo lắng với tài sản mà họ chắt chiu cả đời mới có được.
Luật sư Huỳnh Trung Hiếu cho biết yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở của chủ đầu tư được quy định rất rõ trong Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (sửa đổi). Thế nhưng đến nay vẫn chưa có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh... |
Năm 2012, ông LTD mua một căn hộ tại dự án chung cư thuộc phường Thới An, quận 12 của Công ty Địa ốc Hoàng Quân với giá 720 triệu đồng. Ông D. đã trả được 500 triệu đồng và theo hợp đồng đến cuối năm 2013 giao nhà. Vậy mà đến năm 2015 vẫn chưa xây xong nên ông D. không mua nữa, đồng thời yêu cầu trả lại số tiền ông đã thanh toán. Sau nhiều lần làm việc, Công ty Hoàng Quân đồng ý trả lại tiền cho ông D. nhưng hành trình đi đòi lại tiền không phải dễ dàng chút nào.
Đầu tháng 1-2016, ông D. được công ty trên trả cho 50 triệu đồng, tháng thứ hai 20 triệu đồng và sau đó công ty này trả lắt nhắt cho ông D. mỗi tuần… 5 triệu đồng! “Hơn một năm rưỡi trả lại tiền nhưng hiện nay chủ đầu tư vẫn còn thiếu của tôi 150 triệu đồng. Lúc đóng tiền chậm một chút thì liên tục bị nhắc nhở nhưng khi trả lại thì thật là trần ai hết chỗ nói” - ông D. nói.
Trường hợp ông D. đòi lại được tiền vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Ông Phan Bé Toàn mua căn hộ tại chung cư Hạnh Phúc, huyện Bình Chánh do Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư cũng bị trễ thời hạn giao nhà đến năm năm nhưng vẫn chưa nhận được nhà. Căn hộ ông Toàn mua với giá gần 1,2 tỉ đồng và đã trả được gần 500 triệu đồng.
Ông Toàn cho biết tháng 12-2016, ông có nhận được thông báo nhận nhà nhưng gặp một số trục trặc khiến cho việc nhận nhà chưa được thực hiện. Theo hợp đồng, chủ đầu tư chậm giao nhà thì phải trả lãi suất cho người mua bằng 150% lãi suất tiền vay công bố tại thời điểm chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ. Ông Toàn muốn Tổng Công ty Xây dựng số 1 phải trả phần lãi suất này bằng cách trừ vào số tiền còn lại ông phải thanh toán.
“Tôi đã liên lạc nhiều lần bằng điện thoại, email và gửi văn bản hai lần trực tiếp đến chủ đầu tư nhưng không được hồi đáp” - ông Toàn cho hay. Đồng thời khẳng định ông sẽ phải tiếp tục đòi cho bằng được số tiền này. Nếu không sẽ khởi kiện tổng công ty này ra tòa. “Tôi cũng chỉ muốn giữa hai bên thực hiện đúng theo hợp đồng và không có ý muốn thưa kiện gì cả. Nhưng trong trường hợp chủ đầu tư không trả cho tôi thì tôi buộc lòng phải kiện thôi” - ông Toàn nói.
Tọa đàm “Tránh rủi ro khi mua bán nhà dự án” Theo quy định của Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (còn được gọi là nhà dự án) phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở nêu trên đã không thực hiện đúng quy định này khiến khách hàng chậm được giao nhà và bị nhiều thiệt hại dẫn đến phát sinh tranh chấp. Nhằm mục đích làm rõ các quy định pháp lý có liên quan, những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính và các giải pháp khắc phục, báo Pháp Luật TP.HCMtổ chức tọa đàm “Tránh rủi ro khi mua bán nhà dự án”. Một số nội dung sau đây sẽ được trao đổi tại tọa đàm: Hiểu sao là bảo lãnh nghĩa vụ tài chính? Trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp bất động sản trong việc được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính; vai trò và quyền lợi của ngân hàng trong việc nhận bảo lãnh nghĩa vụ tài chính? Các chế tài của pháp luật cần có để các chủ đầu tư được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh? Người mua cần yêu cầu gì ở các chủ đầu tư và sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào khi chủ đầu tư có chứng thư bảo lãnh?... Thời gian tổ chức tọa đàm: 8 giờ 30 thứ Năm 27-7. Địa điểm: Trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM, số 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM (lầu 2, phòng 203). BTC |