Để cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 về đích đúng hẹn - Bài 2

Mong mỏi cao tốc, các địa phương quyết tâm làm

(PLO)- Các địa phương có cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua đã sẵn sàng mặt bằng sạch, quyết tâm đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch.

Người dân, chính quyền địa phương nơi có cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua rất đồng tình với việc thực hiện dự án và đồng thuận bàn giao mặt bằng nhằm đưa cao tốc về đích đúng hẹn.

Người dân đồng thuận giao mặt bằng

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 rất được người dân đồng thuận. Theo đó, từ đầu năm 2022, có khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn ba xã Yên Hồ, Quang Vĩnh và Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) đã nhận bồi thường, di chuyển nhà ra khu tái định cư.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành giao nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc, giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Tiêu biểu phải kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Lạng (xã Yên Hồ), là một trong những gia đình đầu tiên của tỉnh nhận bồi thường và chuyển ngay ra khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho địa phương.

Lãnh đạo các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh cho biết thời gian qua các xã đã tuyên truyền người dân không trồng cây, xây nhà chờ bồi thường. Đồng thời, các huyện, thị xã đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua tuyệt đối không để người dân xây dựng, cơi nới các công trình để chờ bồi thường. Người đứng đầu xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong phạm vi dự án. “Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)” - ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, dự án có vai trò hết sức quan trọng đối với tỉnh Hà Tĩnh cũng như các địa phương lân cận. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp liên kết vùng, kết nối Khu kinh tế Vũng Áng, trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển… Đồng thời góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vũng Áng, cảng Vũng Áng - Sơn Dương, quốc lộ 8, quốc lộ 12 và các cửa khẩu quốc tế đi Lào...

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh sẽ tạo sức gắn kết và phát triển bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực tập trung chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã, sở ngành liên quan phối hợp với Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) để thực hiện công tác GPMB. Đến nay, công tác này cơ bản đã hoàn thành để sẵn sàng phục vụ cho việc khởi công dự án.

Điều kiện tốt để liên kết và hợp tác vùng

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định dự án có vai trò rất quan trọng, kết nối các địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL. Dự án sau khi hoàn thành không chỉ giúp vận chuyển hàng hóa trong vùng ĐBSCL được thuận tiện, mà việc vận chuyển từ Campuchia đến cảng Trần Đề đi các nước cũng được thuận lợi hơn.

Việc hình thành cao tốc Bắc - Nam cũng chính là điều kiện rất tốt để liên kết và hợp tác với Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh của khu vực ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, cho biết công tác GPMB là khâu then chốt để quyết định thành công của dự án. Sở GTVT sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành để triển khai nhanh dự án cao tốc này.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng khi có được hạ tầng giao thông tốt, tỉnh sẽ có cơ hội tốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; dịch chuyển từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Từ đó, tăng cường quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch phát triển” - ông Tân cho biết.

Bộ GTVT cho biết công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cắm cọc giải phóng mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được triển khai ráo riết trong thời gian qua. Đến nay Bộ GTVT đã bàn giao cho các địa phương gần như toàn bộ 724 km để chuẩn bị cho việc khởi công dự án.

Sẵn sàng cho việc khởi công

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, chia sẻ: Để thấy được sự quyết tâm của nhân dân và chính quyền TP Cần Thơ đối với cao tốc Bắc - Nam, TP Cần Thơ đã thành lập ban chỉ đạo cấp TP để sẵn sàng triển khai thực hiện đối với dự án thành phần qua địa bàn TP. Ban chỉ đạo do bí thư Thành ủy là trưởng ban; phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP làm thường trực ban chỉ đạo.

Hiện nay TP Cần Thơ đã giao cho huyện Cái Răng đo đạc, kiểm đếm đất để chuẩn bị cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Hiện công tác kiểm đếm đã cơ bản hoàn thành.

Bên cạnh đó, đối với những khó khăn về nguyên vật liệu phục vụ dự án cũng được TP Cần Thơ chuẩn bị sẵn sàng. Đến thời điểm này, TP Cần Thơ đã sẵn sàng cho việc khởi công và mong chờ tuyến cao tốc này hoàn thành.

“Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau được khởi công sẽ kết nối liền mạch từ TP.HCM đến Cà Mau, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho phía Nam. Đồng thời, hạ tầng cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau và các tuyến đường, cao tốc khác sẽ được khai thác tối đa tiềm năng. Từ đó nâng tỉ lệ đường cao tốc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước” - ông Dũng nhận định.•

Cao tốc giúp liên kết các nước trong Asian

Một đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan (nối Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng). Ảnh: N.DO

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết cao tốc Bắc - Nam đi qua sẽ giúp Quảng Trị, một địa phương vốn lâu nay khó khăn về hạ tầng giao thông, có thể liên kết với các tỉnh, vùng trong phát triển kinh tế địa phương. Cao tốc sẽ giúp liên kết các nước trong Asian, các tiểu vùng sông Me Kong như Việt Nam, Lào, Myanmar. Hạ tầng giao thông sẽ tạo sự đột phá giúp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thuộc tiểu vùng sông Me Kong.

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân dọc theo trục hành lang giao thông này. Người dân có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ thương mại và du lịch.

Để sớm có được những lợi thế đó, địa phương đã thành lập tổ chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các địa phương có cao tốc đi qua phải tuyên tuyền cho người dân, giúp việc GPMB, bàn giao đất cho dự án sớm được suôn sẻ.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế, cho rằng tuyến cao tốc Bắc - Nam được thành hình sẽ thông suốt với các tỉnh phía Bắc như Quảng Trị, Quảng Bình. Từ đó, du lịch cũng sẽ có điều kiện phát triển, đặc biệt là du lịch cộng đồng của địa phương; Cụm công nghiệp Hương Phú sẽ thuận lợi giao thông, tạo điều kiện phát triển mạnh để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới