Ngày 13-11, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức tọa đàm "Đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật" tại nhà khách Bộ Công an (quận 1, TP.HCM).
Nên có Luật tổ chức thi hành pháp luật?
Theo ông Đặng Thanh Sơn (Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp) có nhiều lý do dẫn đến khó khăn cho việc theo dõi thi hành pháp luật.
Thứ nhất là hiện nay mới có Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhưng còn quy định chung chung. Thứ hai là thiếu nhân sự và vấn đề tài chính.
Ông Sơn cũng đặt vấn đề có cần thiết phải ban hành luật tổ chức thi hành pháp luật hay không khi hiện nay có hai quan điểm trái chiều.
Đại diện Sở Tư pháp Bình Dương, ông Huỳnh Quốc Anh cho rằng ông rất băn khoăn về tính khả thi nếu ban hành luật quản lý chung toàn bộ các luật khác về công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Phạm vi luật như thế nào, đi vào từng hoạt động, ví dụ như theo dõi việc ban hành văn bản chi tiết; việc triển khai công tác tập huấn tuyên truyền; việc thực thi, tình hình tuân thủ hay theo dõi tổ chức bộ máy hay kinh phí?
PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YC
TS Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) cũng không ủng hộ việc xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật. Vì theo TS Hoa không xác định được phạm vi điều chỉnh của luật này trong khi từng lĩnh vực chuyên ngành đều đã có luật.
Cần văn bản giải thích pháp luật
PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề là ở Nhật Bản có cơ chế nào để xử lý lỗ hổng pháp luật, xung đột pháp luật, có cơ chế giải thích pháp luật hay không?
Và như đã nói trước khi ban hành luật thì sẽ có thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn, không có điều luật nào được thông qua khi không có văn bản hướng dẫn.
Tất cả những sự việc phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo đều được tính toán trước khi ban hành luật. Tất cả luật mang tính trừu tượng, không thể bao quát hết, Luật Nhật cũng nằm trong đó. Do đó giai đoạn dự thảo họ rất thận trọng và có một thời gian dài để thảo luận.
Về vấn đề giải thích luật, theo ông Yokomaku Kosuke tất cả luật không thể đi vào chi tiết hết mà mang tính trừu tượng nên cần văn bản giải thích. Trong trường hợp cần thiết thuật ngữ luật sẽ được giải thích sẽ hạn chế phát sinh tranh chấp.
Đối với một thuật ngữ phát sinh tranh chấp không thể đưa vào sử dụng hoặc có những thuật ngữ đưa nhiều phán đoán khác nhau thì phải có người cuối cùng giải thích và ở Nhật người đó là tòa án.
Tòa án Nhật Bản là người đưa ra phán quyết cuối cùng, phán quyết của tòa án không có giới hạn hay lệ thuộc nào hết.
Một cọng bún ba bộ quản lý?
TS Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp). Ảnh: YC
Bàn về những bất cập nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật, TS Hoa ví dụ về việc thi hành Luật An toàn thực phẩm liên quan đến việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước.
Trên thực tế việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn một số điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý về ngành hàng đó.
Ví dụ như việc quản lý chất lượng bún đang được cả ba Bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công Thương.
Như vậy, cùng một sản phẩm hai Bộ (NN&PTNT, Công Thương) kiểm tra đã là chồng chéo. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ sản phẩm bún trên thị trường có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng (Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp nhưng lại được dùng để tẩy trắng bún) lại liên quan tới Bộ Y tế.
Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả sẽ do Bộ NN&PTNT quản lý hay là bánh, mứt, kẹo do Bộ Công Thương quản lý...
5 năm chỉ khởi tố 1 vụ vi phạm ATTP Theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, CQĐT các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố một vụ, ba bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác. Trong đó tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS); tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh (Điều 157 BLHS) 74 vụ, 117 bị can; tội buôn lậu (Điều 153 BLHS) 9 vụ, 12 bị can (hàng hóa buôn lậu là thực phẩm); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154 BLHS) 7 vụ. TAND các cấp từ ngày 1-10-2010 đến 30-9-2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã giải quyết, xét xử 313 vụ. Cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo, trong đó tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” với 256 vụ/467 bị cáo; tội vi phạm quy định về ATTP 02 vụ/02 bị cáo. |