Một nghi can chỉ được năm luật sư bào chữa?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc giới hạn số lượng luật sư bào chữa như vậy vừa vi hiến, vừa là bước lùi của luật…

Nhận xét về đề xuất giới hạn số lượng năm luật sư (LS) bào chữa cho một người bị buộc tội (xin gọi là nghi can), LS Phan Trung Hoài (Đoàn LS TP.HCM) cho biết nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định tương tự, có nước quy định là năm LS, có nước quy định là ba LS.

Nhiều luật sư quá dễ rối?

Theo LS Hoài, có thể thấy những vụ án có nhiều LS tham gia bào chữa cho một bị cáo cũng ít nhiều gây ra một số bất tiện cho hoạt động tố tụng. Nếu không có sự phân chia nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng LS thì sẽ dễ nảy sinh tình trạng một vấn đề được các LS tham gia xét hỏi nhiều lần hay một quan điểm bào chữa cứ bị lặp đi lặp lại.

Một kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng nhận xét một phiên tòa mà có quá nhiều LS tham gia bào chữa cho một bị cáo thì chưa chắc đã có lợi cho bị cáo đó. Khi đó các vấn đề bào chữa đặt ra sẽ không được tập trung, sự quan tâm của HĐXX có thể sẽ giảm đi, thời gian giải quyết vụ án kéo dài gây mệt mỏi cho tất cả người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa.


Giới luật sư đề nghị không nên quy định khống chế số lượng luật sư bào chữa cho một nghi can. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Nhưng hạn chế là vi hiến

Tuy nhiên, LS Hoài khẳng định việc quy định giới hạn số lượng người bào chữa cho một nghi can cần phải căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn. Không phải quy định nào của nước khác cũng áp dụng phù hợp ở Việt Nam. Ở nước ta, quyền tự bào chữa hoặc nhờ LS, người khác bào chữa là quyền hiến định.Hơn nữa vấn đề nhiều LS tham gia bào chữa cho bị cáo không phải là không có những mặt tích cực của nó. Chẳng hạn, việc LS thay phiên nhau tham gia các buổi hỏi cung, phân công việc, nhiệm vụ bào chữa cụ thể cho từng người thì sẽ nghiên cứu sâu hơn các vấn đề pháp lý, chứng cứ, tài liệu để chứng minh hiệu quả hơn quan điểm bào chữa.

LS Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Kiên Giang) cũng cho rằng không nên quy định giới hạn số lượng người bào chữa cho một nghi can bởi vừa không cần thiết, vừa dễ tạo cảm giác là cơ quan tố tụng “sợ” vụ án có nhiều luật sư.

“Quy định này vừa vi hiến, vừa xung đột với nhiều luật khác, cần phải được loại bỏ khỏi dự thảo BLTTHS (sửa đổi)” - LS Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nhận xét.

Ông phân tích: Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ LS hoặc người khác bào chữa”. Cạnh đó, BLTTHS hiện hành và các văn bản hướng dẫn không có quy định nào hạn chế số lượng người bào chữa cho một người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Ngoài ra pháp luật về LS, pháp luật về trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng đều không có quy định này.

“Một người có quyền mời một hoặc nhiều LS tham gia bào chữa cho mình. LS được mời sẽ xem xét, đồng ý tham gia hay không. Cả người mời lẫn người được mời sẽ tự cân nhắc. Việc chỉ có một hay nhiều LS tham gia bào chữa đều đã có sự cân nhắc cả từ hai phía. Vậy hà cớ gì phải quy định hạn chế số lượng LS? Hay quy định này chỉ nhằm giúp cho cơ quan buộc tội cảm thấy bớt bị áp lực từ phía gỡ tội, phản biện?” - LS Y nhấn mạnh.

Bước lùi của luật!

Đến nay bị can Huỳnh Văn Nén (hậu án oan “Vườn điều” ở tỉnh Bình Thuận) đã có bảy LS tham gia bào chữa miễn phí. Đó là các LS: Trần Vũ Hải, Lê Thị Minh Nhân, Nguyễn Văn Quỳnh, Phạm Công Út, Bùi Đức Trường, Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Văn Đạt. Họ đều đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can Huỳnh Văn Nén.

Tôi đồng tình với đề nghị bỏ quy định giới hạn số lượng người bào chữa cho một nghi can trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Theo tôi, việc nhiều LS bào chữa cho một bị can, bị cáo là chuyện hoàn toàn bình thường, thể hiện tinh thần đảm bảo quyền bào chữa của pháp luật và thực tiễn áp dụng cũng không có vướng mắc gì. Vì vậy quy định như dự thảo là một bước lùi của luật. Việc hạn chế số lượng người bào chữa là hạn chế quyền con người, hạn chế quyền của người bị buộc tội, nhất là người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Nó hoàn toàn không phù hợp với Hiến pháp, Luật LS, Luật Trợ giúp pháp lý… hiện hành.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm
Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa

Thực tiễn không vướng mắc

Việc nhiều LS cùng bào chữa cho một bị can, bị cáo nói chung không có gì vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, có một số trường hợp trong cùng một vụ án có nhiều bị cáo, trong đó có bị cáo có nhiều LS cùng bào chữa nhưng LS bào chữa cho bị cáo này lại bào chữa thêm cho bị cáo khác thì cần phải xác định xem quyền và lợi ích của các bị cáo có đối lập nhau không. Nếu đối lập thì LS chỉ có thể chọn bào chữa cho một bị cáo.

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới