Một ông chủ tiệm ĐTDĐ kêu oan

Ngày 24-10, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) sẽ mở lại phiên xử sơ thẩm một vụ trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vụ án này kéo dài bởi các cơ quan tố tụng khó kết tội Nguyễn Văn Cách (chủ tiệm ĐTDĐ).

Hai năm, ba cáo trạng

Theo hồ sơ buộc tội, từ ngày 1-11-2015 đến 14-12-2015, Tạ Ngọc Linh cùng ba người khác đã thực hiện 10 vụ trộm cắp. Một lần, có hai người nhờ Linh mang chiếc ĐTDĐ Sony Z2 (trị giá 2,6 triệu đồng) bán cho Cách lấy 1,7 triệu đồng. Khi mua ĐTDĐ, Cách biết rõ đó là của gian.

Tháng 12-2015, CQĐT Công an quận Thủ Đức khởi tố cả năm người. Trong đó, Linh và ba người bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản (Linh còn bị khởi tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có), Cách bị khởi tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tại CQĐT, khi bị tạm giam, Cách khai biết chiếc ĐTDĐ Sony Z2 mình mua từ Linh là của gian. Tuy nhiên, sau khi tại ngoại Cách làm đơn kêu oan, tố cáo rằng bị điều tra viên làm sẵn hồ sơ, ép ký theo hướng biết.

Còn Linh, ban đầu khai tại CQĐT rằng đi bán chiếc ĐTDĐ Sony Z2 tại một tiệm ĐTDĐ gần chợ Bình Triệu mà “không rõ tên tiệm” với giá 1,7 triệu đồng. Khi chủ tiệm hỏi mật khẩu của ĐTDĐ, Linh chỉ im lặng và trả lời không biết. Linh không nói không biết chủ tiệm có biết ĐTDĐ này có phải do phạm tội mà có hay không. Sau đó, Linh lại khai là tự bản thân nghĩ là ông Cách biết...

Dù chưa chứng minh được Cách có biết rõ chiếc ĐTDĐ Sony Z2 là của gian hay không nhưng tháng 10-2016, VKSND quận Thủ Đức vẫn ra cáo trạng truy tố cả năm người.

Hai tháng sau, TAND quận Thủ Đức mở phiên xử. Trước tòa, Linh khai không quen Cách, đi ngang tiệm thì tạt vô bán, không nói với Cách là ĐTDĐ ăn cắp. Linh từng bán ĐTDĐ cho Cách 3-4 lần, trước thì Cách không biết là đồ ăn cắp, sau thì biết nhưng Linh không lý giải được vì sao Cách biết. Cách cũng trả lời HĐXX là không quen Linh, thấy bán ĐTDĐ thì mua. Cách cũng khai bị điều tra viên ép nên mới phải khai biết ĐTDĐ mình mua là của gian. Vì vậy, tòa đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ khi mua ĐTDĐ thì Cách có biết là của gian hay không, có việc ép cung hay không…

Bị cáo Nguyễn Văn Cách trước khi vào phiên tòa sơ thẩm lần đầu. Ảnh: PL

Khi điều tra bổ sung, Linh thay đổi lời khai theo hướng nói với Cách là ĐTDĐ ăn cắp. Tháng 2-2018, VKSND quận Thủ Đức ra cáo trạng lần hai, bổ sung tang vật là một chiếc ĐTDĐ hiệu Mobistar. Theo đó, ngoài chiếc ĐTDĐ Sony Z2, Linh còn mang chiếc ĐTDĐ Mobistar bán cho Cách với giá 700.000 đồng. Khi mua, Cách biết ĐTDĐ này là của gian vì Linh đã từng bán ĐTDĐ trộm cắp cho Cách.

Sau khi TAND quận trả hồ sơ, tháng 5-2018, VKSND quận có công văn giữ nguyên quan điểm truy tố Cách. Nhưng một tháng sau, VKSND quận ban hành tiếp cáo trạng lần ba với nội dung mới là thay đổi các chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của Cách đối với chiếc ĐTDĐ Mobistar.

Chưa chứng minh được “biết rõ của gian”

Tháng 8-2018, TAND quận Thủ Đức mở lại phiên xử. Tại tòa, luật sư của Cách đã chỉ ra nhiều điểm chưa thuyết phục của hồ sơ buộc tội:

Thứ nhất, các bị cáo khai trong hồ sơ và tại phiên tòa lần đầu rằng giật chiếc ĐTDĐ Mobistar của một phụ nữ bên đường chưa rõ lai lịch. Tuy nhiên, sau khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì một số bị cáo khai lại rằng chiếc ĐTDĐ trộm được của bị hại LVT bằng cách dùng cây tràm khều qua cửa sổ. Nội dung cáo trạng lại kết luận do phòng bị hại T. không khóa cửa nên một bị cáo lẻn vào lấy trộm.

Thứ hai, bị hại T. khai mua ĐTDĐ Mobistar với giá 2,4 triệu đồng. Kết quả định giá tháng 11-2017 xác định ĐTDĐ này trị giá 2,07 triệu đồng nhưng căn cứ vào giá tham khảo trước đó và việc xác định giá theo công văn tháng 1-2016 của UBND quận Thủ Đức thì giá điện thoại chung của Mobistar chỉ là 500.000 đồng… Ngoài ra, còn những lời khai bất nhất khác của bị hại về thời gian mua, giá cả, đời máy, thời gian mất.

Thứ ba, việc Linh mang ĐTDĐ đi bán mà không có hóa đơn, không biết mật khẩu, theo suy luận bình thường cũng có thể có nhiều lý do: Bị mất hóa đơn, quên mất mật khẩu, do người khác nhờ mang đi bán, nhặt được của rơi trên đường… mà không nhất thiết phải là từ trộm cướp được. Hơn nữa, ĐTDĐ là động sản, theo quy định chủ sở hữu không cần phải đăng ký quyền sở hữu nên Cách không cần thiết phải truy xuất nguồn gốc tài sản...

Thứ tư, Cách bị CQĐT khám xét tiệm ĐTDĐ và thu giữ tài sản nhưng từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2017, qua nhiều phiên tòa, hồ sơ vẫn không thể hiện có việc thu giữ tài sản của bị cáo.

Sau một ngày xét hỏi, HĐXX đã trả hồ sơ vì nhận định việc mua bán chiếc ĐTDĐ Mobistar chưa rõ ràng, các lời khai mâu thuẫn...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa ngày 24-10 sắp tới.

“Tôi không biết hàng mua là đồ gian”

Chiều 20-11-2015, một thanh niên đi bộ vào cửa tiệm ĐTDĐ của tôi nói muốn bán chiếc ĐTDĐ Sony Z2. Tôi kiểm tra thấy máy cũ và có mật khẩu khóa phím. Tôi hỏi mật khẩu, người này nói quên rồi, sau đó im lặng. Tôi nói nếu máy của mình mà quên mật khẩu thì phải để máy lại, tôi mở được mật khẩu, kiểm tra được máy thì mới mua. Người này đồng ý và đi đâu khoảng hai tiếng sau quay lại. Khi đó tôi đã mở được mật khẩu, kiểm tra máy xong, nói máy mua được với giá 1,7 triệu đồng, người này lưỡng lự một lúc rồi đồng ý bán.

Sau đó, thanh niên này tiếp tục tới tiệm của tôi cầm chiếc điện thoại hiệu Mobistar màu đen với giá 600.000 đồng. Thời gian tiếp theo, người này tới chuộc rồi cầm đi cầm lại chiếc điện thoại trên bốn lần, tới lần thứ năm thì tôi từ chối vì máy đã mất giá. Sau đó, người này đắn đo rồi nhờ tôi mua với giá 700.000 đồng.

Khoảng 10 giờ sáng 15-12-2015, Công an quận Thủ Đức dẫn theo thanh niên này đến tiệm tôi làm việc và người này nói hai cái ĐTDĐ trên bán ở đây. Công an đã khám xét, thu giữ toàn bộ 54 ĐTDĐ, năm cái laptop của khách nhờ sửa và cầm đồ cùng năm máy tính bảng. Sau đó, công an bảo tôi đi cùng họ đến cơ quan công an để hỗ trợ điều tra. Rồi họ khởi tố, bắt tạm giam tôi hơn một tháng.

Tháng 4-2017, CQĐT gọi tôi đến nói nhận lại một thùng carton trong chứa nhiều ĐTDĐ, laptop và máy tính bảng vì không liên quan vụ án. Tôi từ chối nhận lại vì ba lý do: Nếu ngày đó công an không tạm giữ số hàng này khiến tôi lo lắng việc phải đền cho khách thì không dễ dụ dỗ, ép cung tôi được. Mặt khác, số hàng này là tài sản hợp pháp của tôi, mà đồ điện tử để lâu sẽ hư hỏng, mất giá, thậm chí không còn giá trị sử dụng nên phải có người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tôi. Ngoài ra, thùng carton này được cho là chứa các tài sản thu giữ của tôi nhưng việc thu giữ không được lập biên bản, cũng không niêm phong nên không biết tài sản bị thu giữ còn mất ra sao.

Bị cáo NGUYỄN VĂN CÁCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm