Một số địa phương loay hoay với thủ tục cấp cát cho dự án giao thông

(PLO)- Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn về quy trình cấp mỏ cát, nhưng các tỉnh phía Nam loay hoay, thủ tục mỗi nơi mỗi kiểu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký văn bản báo cáo Quốc hội việc thực hiện những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội chất vấn từ đầu nhiệm kỳ hết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội liên quan tới lĩnh vực giao thông vận tải.

Kết quả khắc phục tình hình thiếu cát cho các dự án giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nội dung được giải trình chi tiết.

Theo đó, với hàng loạt dự án đường cao tốc đang triển khai đến năm 2025, nhu cầu cát đắp nền đường khu vực này rất lớn, lên tới 54 triệu m3 và nhất là hai năm 2023 - 2024.

Chỉ tính riêng dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp là trên 18 triệu m3. Đến nay tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã cơ bản thống nhất phương án bố trí cát cho các nhà thầu, tuy nhiên một số mỏ cát vẫn đang trong quá trình làm thủ thủ tục.

Theo Bộ GTVT, dù Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn, nhưng cách hiểu và cách triển khai ở các tỉnh còn khác nhau.

cao-toc-mai-son-quoc-lo-45-thong-xe-197-5804-7489.jpg
Hiện nay nhiều dự án đường bộ cao tốc phía Nam triển khai đồng loạt khiến khan hiếm nguồn cát.

Vì vậy, dù Bộ GTVT, các chủ đầu tư dự án đã nhiều lần làm việc, có văn bản đề nghị nhưng các địa phương vẫn chưa cung cấp đủ khối lượng theo nhu cầu tiến độ của các dự án.

Trước tình trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng đang liên tục “thúc” các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục và khai thác được đủ nguồn vật liệu cho dự án, đáp ứng tiến độ.

Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra liên quan việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ vật liệu, cung cấp vật liệu cho các dự án... Kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh phía Nam dành sự ưu tiên về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông. Trong đó, tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long khẩn trương bố trí đủ 9,1 triệu m3 cát trong năm 2023 cho hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam là đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Khối lượng còn lại khoảng 9 triệu m3 các tỉnh cân đối phù hợp trong hai năm tiếp theo là 2024 và 2025.

Về giải pháp sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.

Với nguồn cát biển Sóc Trăng, đoạn thí điểm 320m này, nhà thầu đã hoàn thành đắp lớp cát biển dày khoảng 1m, đắp lề đất hai bên và tiến hành đắp lớp cấp phối đá dăm. Qua thời gian quan trắc, theo dõi, Bộ GTVT bước đầu nhận thấy kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Cụ thể, chất lượng cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng có các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định. Chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng clorua. Có sự lan truyền độ mặn và clorua vào mạch nước dưới đất, nhưng sự thay đổi này không lớn.

Bộ GTVT cho biết cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm