Chỉ một khoảnh khắc, tiếng nổ vang trời đã cướp đi sinh mạng của bốn người, trong đó phần lớn là những người chỉ vô tình đi ngang qua. Chẳng ai có thể ngờ câu chuyện thiệt mạng do cưa bom, cưa phế liệu mà truyền thông vẫn hay đưa trước đây tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam hay Đồng Nai... nay nó đã xuất hiện ở thủ đô.
Vẫn thường có câu bông đùa “chẳng đâu gan dạ như người Việt Nam” khi nhắc tới hình ảnh những người dân vô tư cưa bom để lấy vỏ sắt, thuốc nổ. “Liều thì ăn nhiều”, người ta vẫn thường tặc lưỡi nói với nhau như vậy khi gặp một việc mà họ biết rõ nguy cơ xảy ra tai họa cao. Nhưng họ vẫn làm, có thể do không còn sự lựa chọn nào khác, cũng có thể do chấp nhận đánh đổi để lấy được món lời sau đó.
Tôi là người chứng kiến hiện trường sau vụ nổ. Nỗi đau tận cùng của gia đình các nạn nhân như xộc thẳng tận não. Một cháu bé bảy tuổi được mẹ đưa đi khám mắt miễn phí tại trường, gặp đúng lúc vụ nổ xảy ra. Vội chạy đến, cụ ông tội nghiệp khuỵu gối xuống, chỉ biết gào thét tuyệt vọng trong giây phút nhìn thấy thi thể của con và cháu mình. Ở làn đường ngược chiều, một người đàn ông đi xe máy ngang qua cũng bị sức công phá của vụ nổ làm mất mạng; thêm hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khác.
Những cái chết không hề báo trước, không kịp trăng trối hay nhìn mặt người thân lần cuối.
Len lỏi trong thành phố này, trên đất nước này, có ai thống kê được có bao nhiêu cơ sở thu gom sắt vụn như trên; hoạt động mua bán của họ có được kiểm soát, quản lý hay không?
Khi việc thu gom sắt vụn, kinh doanh phế liệu còn bị buông lỏng và người dân chưa tự ý thức được thì e sẽ còn nhiều cái chết thương tâm...