Trước đó, trong đơn khởi kiện nộp tại TAND huyện Đông Hòa, vợ chồng ông Huỳnh Dũng (nguyên đơn) trình bày: Năm 1999, vợ chồng ông nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Hiền ba thửa đất ruộng, tổng diện tích hơn 1.876 m2 với giá bảy chỉ vàng y. Thời hạn chuyển nhượng theo thỏa thuận là 20 năm.
Năm 2014, khi Nhà nước thực hiện dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, UBND huyện Đông Hòa thu hồi toàn bộ diện tích đất ruộng nói trên thì gia đình ông Hiền được nhận tiền bồi thường đất hơn 69 triệu đồng, tiền hỗ trợ do dừng sản xuất lúa hơn 4,7 triệu đồng và một số khoản hỗ trợ khác. Nay vợ chồng ông Dũng yêu cầu tòa xem xét, công nhận vợ chồng ông có quyền sử dụng ba thửa đất ruộng nói trên để vợ chồng ông được nhận toàn bộ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất.
Trong khi đó, vợ chồng ông Hiền không chấp nhận và yêu cầu tòa xem xét để gia đình ông được nhận toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ do thu hồi diện tích đất ruộng nói trên.
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2017, TAND huyện Đông Hòa đã tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Dũng với vợ chồng ông Hiền là vô hiệu toàn bộ. Từ đó tòa bác toàn bộ yêu cầu của vợ chồng ông Dũng, cho vợ chồng ông Hiền được nhận toàn bộ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời vợ chồng ông Hiền phải trả lại cho vợ chồng ông Dũng bảy chỉ vàng y và hơn 22 triệu đồng.
Vợ chồng ông Dũng kháng cáo. Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã nhận định: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Dũng với vợ chồng ông Hiền tuy có vi phạm về hình thức do chưa được UBND cấp có thẩm quyền chứng thực nhưng không vi phạm về nội dung vì đất này cấp cho hộ gia đình ông Hiền theo Nghị định 64 ngày 27-9-1993 của Chính phủ.
Vào thời điểm vợ chồng ông Hiền chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Dũng thì các con của ông Hiền dưới 10 tuổi nên mọi giao dịch liên quan đến quyền lợi của các con đều do cha mẹ đại diện thực hiện. Do đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình do vợ chồng ông Hiền thực hiện là không vi phạm quyền định đoạt của các con ông Hiền. Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn: “… Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này nhưng sau đó đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 1-7-2004 mới có yêu cầu tòa án giải quyết thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này”. Như vậy, tòa sơ thẩm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 18-3-1999 giữa vợ chồng ông Dũng và vợ chồng ông Hiền vô hiệu là không đúng.
Từ đó TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Dũng với vợ chồng ông Hiền có hiệu lực pháp luật. Vợ chồng ông Dũng được quyền sử dụng ba thửa đất với tổng diện tích hơn 1.876 m2 và được quyền nhận tiền bồi thường, tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi các thửa đất trên.