Mua bằng lái xe máy trên mạng: Biết sai nhưng vẫn làm

(PLO)- Nhiều người biết rõ mua bằng lái xe máy trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn mua và bị xử phạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết đã bị lừa mất tiền khi... mua bằng lái xe máy trên mạng.

Biết sai nhưng vẫn mua bằng rồi bị tịch thu

Anh MPT (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết năm 2023 anh được một người quen chỉ cách lên Facebook, vào hội nhóm có tên “Mua bằng lái xe máy A1 thật” để tham khảo mua bằng lái xe máy. Khi vào nhóm, anh T thấy có rất nhiều tài khoản đăng bài giới thiệu bán bằng lái xe máy, thậm chí có cả ô tô.

“Lúc đó tôi bấm đại vào bài viết của một tài khoản (tôi không nhớ rõ tên) để hỏi thăm thì họ yêu cầu kết bạn qua Zalo. Sau khi kết bạn qua Zalo, họ giới thiệu đang có loại bằng lái xe máy giá 2 triệu đồng “bao test”, có cả mã QR, khi quét mã vẫn sẽ hiển thị đầy đủ thông tin. Trao đổi xong, tôi đồng ý mua loại này và cung cấp cho họ CCCD. Khoảng một tuần sau, họ gửi cho tôi bằng lái. Tôi kiểm tra thấy bằng lái như thật nên chuyển đủ 2 triệu đồng cho họ” - anh T nói.

mua bằng lái xe
Hàng loạt hội nhóm rao mua bán bằng lái xe với nhiều thành viên tham gia, tương tác, dù biết rằng mua bán bằng lái xe máy là sai. (Ảnh chụp màn hình)

Anh T cho biết thêm thời gian đầu sử dụng, anh có bị CSGT kiểm tra vài lần nhưng may mắn không bị phát hiện. Đến tháng 10-2023, anh có chuyến đi Đà Lạt, khi chạy đến huyện Di Linh thì bị CSGT kiểm tra. Lúc này, CSGT nghi ngờ nên đã mang bằng lái về cơ quan kiểm tra. Kết quả là CSGT tịch thu cả xe cùng bằng lái 2 triệu đồng của anh T.

Theo ghi nhận của PV, hội nhóm mà anh T nêu có khoảng 17.000 thành viên tham gia. Mỗi ngày có rất nhiều tài khoản đăng các bài viết bán bằng lái xe, cần mua bằng lái xe với nhiều mức giá khác nhau, có bằng chỉ vài trăm ngàn nhưng có bằng vài triệu đồng, tùy vào độ “chân thật”.

“Tôi biết việc mua bằng lái xe là hành vi trái pháp luật nhưng ngại đi thi nên nghĩ thôi mua đại, chắc là bằng lái xe thật. Nhưng không ngờ bằng lái xe mà các đối tượng rao bán lại là bằng giả. Tôi vừa bị thu xe còn bị mất tiền” - anh T nói.

Không chỉ hội nhóm trên, khi gõ vào ô tìm kiếm của Facebook cụm từ “mua bằng lái xe” sẽ có hàng loạt hội nhóm khác xuất hiện với nhiều thành viên tham gia, tương tác.

Thực tế rất nhiều người dù biết mua bằng lái xe trên mạng là vi phạm pháp luật nhưng vì muốn có bằng mà không phải qua thi sát hạch nên vẫn tìm mua trên mạng. Họ cho rằng đây là bằng lái xe thật, chỉ cần bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bằng lái xe được làm giả một cách tinh vi nhưng dù tinh vi cách mấy thì cũng không thể nào giống 100% và cơ quan chức năng cũng sẽ có cách để phân biệt.

Bên cạnh hành vi mua bán bằng lái xe giả, một số kẻ lừa đảo qua mạng còn tận dụng thời cơ này giả làm người bán rồi yêu cầu người cần mua chuyển tiền cọc, sau đó chiếm đoạt tiền cọc.

Nếu bằng lái xe được mua mà không phải dự thi tức là bằng lái xe giả, bằng lái xe không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết giấy phép lái xe (GPLX) (bằng lái xe) là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Để có GPLX, người dân phải đăng ký và trải qua kỳ thi sát hạch lái xe tại các trung tâm, trường đào tạo lái xe.

Nếu bằng lái xe được mua mà không phải dự thi tức là bằng lái xe giả, bằng lái xe không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Tất nhiên, hành vi sử dụng, mua bán bằng lái xe giả là hành vi vi phạm pháp luật.

Người mua, sử dụng bằng lái xe giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).

Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xylanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô mà sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Phạt tiền 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xylanh từ 175 cm3 trở lên, mô tô ba bánh khi thực hiện hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Người vi phạm còn bị tịch thu bằng lái xe máy không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Bên cạnh đó, người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Mức phạt cao nhất với tội này là phạt tù 3-7 năm tù.

Đồng thời, người có hành vi bán bằng lái xe giả cũng không thể tránh khỏi liên can. Bởi hành vi này theo quy định đã phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS). Mức phạt cao nhất đối với tội này là 3-7 năm tù.•

Tra cứu trên trang thông tin điện tử giấy phép lái xe

Một cán bộ CSGT tại TP.HCM cho biết để xác định GPLX là thật hay giả, trước tiên sẽ xác minh bằng mắt thường, nếu nhận thấy dấu hiệu khả nghi như phôi, chữ, số… không rõ nét, lem mực, nhòe, CSGT sẽ kiểm tra trên trang thông tin điện tử GPLX. Trong trường hợp có dấu hiệu khả nghi sẽ lập biên bản chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ.

Cũng theo vị này, hiện CSGT kiểm tra GPLX đều bắt buộc đối chiếu trên trang thông tin điện tử GPLX, dù có dấu hiệu nghi ngờ hay không.

Nếu sử dụng GPLX giả sẽ bị xử phạt lỗi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm