Người dân TP. HCM không đồng thuận đơn giá xử lý rác: Cần đấu thầu công khai

(PLO)- "Đấu thầu công khai việc thu gom rác là giải quyết hết mọi tồn đọng", bạn đọc góp ý xung quanh vấn đề xây dựng đơn giá xử lý rác. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết: TP.HCM tìm hướng gỡ khi người dân không đồng thuận đơn giá thu gom rác, thông tin công tác ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác của quận, huyện triển khai còn chậm do việc phát sinh cơ cấu đơn giá và không nhận được sự đồng thuận từ người dân. Theo đó, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan sớm đưa ra đơn giá thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn.

Bài viết nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Mỗi nơi mỗi giá

“Phí thu gom rác vừa thu là 75.000 đồng/ hộ/ tháng, trong đó người gom rác dân lập được 50.000 đồng, UBND phường thu 25.000 đồng, tuy nhiên tôi không rõ 25.000 đồng chi cho việc gì. Người gom rác dân lập thì vẫn dùng xe lôi kéo, ba gác máy với thùng xe thô sơ, không an toàn lưu thông. Phí rác tăng đều đều, người dân trong khu phố phản ứng nhưng cũng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tội nghiệp anh gom rác, dân đè anh ra mà chì chiết dù anh không có lỗi gì”, bạn đọc Minh Võ bức xúc.

“Vấn đề cơ bản họ thu thêm tiền rồi có làm tốt hơn không, nếu không tốt thì ai chịu trách nhiệm hay mục đích chỉ là tăng thu?”, bạn đọc Nguyễn A bộc bạch khi được biết có thông tin tăng thêm đơn giá thu gom rác.

đơn giá xử lý rác

Sớm ban hành đơn giá xử lý rác trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: MT

Bạn đọc Kha Minh cung cấp thông tin: "Phòng trọ thu 40 đồng, nhà cách đó 100 m thu 30 đồng. Tháng Tết thì thu gấp 2 (gọi là xin thêm tháng 13, ai không đóng thì họ không lấy rác) mà hóa đơn chứng từ chẳng thấy. Người đi thu tiền chỉ đưa tờ biên lai ghi nơi thu gom rác kèm mã số thuế, còn số tiền thu thì ghi bằng tay. Chưa kể, thu gom rác thì 2-3 ngày mới thu một lần. Không biết đâu mà lần".

"Nhà tôi ở quận 7, trước dịch COVID-19 tiền rác tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng. Giờ thì 70.000 đồng. Nhà bạn tôi ở quận 4, trước dịch mỗi tháng đóng tiền rác chỉ 20.000 đồng, nay lên 48.000 đồng. Sao quận 4 và quận 7 giáp nhau nhưng tiền rác thu mỗi nơi mỗi giá", bạn đọc Khánh Bình cũng thắc mắc.

Bạn đọc góp giải pháp

“Tại sao không gom chung tiền thu gom và vận chuyển thành một lần thu cho mỗi hộ để dân dễ hiểu và dễ quản lý mà phải thu tiền gom rác đóng cho Công ty Công ích (hoặc tư nhân thầu dây rác), đóng cho người lấy rác? Tiền vận chuyển 2 chặng (chặng 1 từ nơi có rác ra bô rác, chặng 2 từ bô rác đến nhà máy) đóng cho địa phương. Giá thu thì tùy hứng của người gom rác, chênh lệch tại một khu vực tùy nhà từ 50 - 220k/tháng”, bạn đọc Phihoang đưa ra góp ý.

“Riêng phí xử lý rác thì tôi ủng hộ. Hiện nay chúng ta mới thu gom rác tập kết thôi còn phân loại rác, xử lý rác thải nguy hiểm như pin còn chưa có. Muốn làm phải có kinh phí”, bạn đọc Lam chia sẻ.

Bạn đọc Gia Bảo hiến kế: "Cách tốt nhất không nên thu tiền rác như hiện tại. Chỉ cần bán bao đụng rác trong siêu thị. Rác thải được thu qua bao đựng rác đó. Người dân chỉ việc đến siêu thị hay các tạp hoá mua bao đựng rác với giá quy định có nghĩa là họ đã trả tiền thu gom rác rồi. Người dân không bỏ rác vào bao đựng rác đó thì phạt. Làm như vậy thì công bằng cho tất cả mọi người và vệ sinh đường phố cũng sẽ mỹ quan và thân thiện với môi trường hơn".

"Đấu thầu công khai việc thu gom rác là giải quyết hết mọi tồn đọng", bạn đọc Minh Huy đề nghị.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM gửi Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) liên quan kết quả công tác quản lý rác sinh hoạt trên địa bàn TP, hiện nay, các mẫu phương tiện đáp ứng các quy định hiện hành của TP chủ yếu là xe ép, xe tải, xe điện và thùng 660 lít đẩy tay. Các loại phương tiện này gặp nhiều hạn chế như giá thành cao, không di chuyển được vào các tuyến hẻm nhỏ, không có ngăn thu gom, tái chế.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa mô hình, phương tiện thu gom rác sinh hoạt của lực lượng thu gom rác dân lập còn nhiều bất cập, khó triển khai do thiếu nguồn vốn để đầu tư, thu nhập không đủ khả năng để trả lãi vay.

UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ. Theo đó, trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất tham mưu UBND TP ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm