Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Ba Tháng Hai (quận 10), xa lộ Hà Nội (Thủ Đức), Điện Biên Phủ (quận 3), Lý Thường Kiệt (quận 11)…, người đi đường dễ dàng nhìn thấy nhiều điểm mời chào bán bảo hiểm xe máy giá rẻ. Người bán thường đứng sau một tấm bandrole khá to, trên đề dòng chữ “Bảo hiểm xe máy 10.000 đồng/năm” to tướng.
Tràn lan bảo hiểm xe máy giá rẻ
Chúng tôi ghé vào một điểm bán bảo hiểm xe máy trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp và được một cô gái vui vẻ chào mời. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết cô gái tên Liên, là sinh viên một trường đại học. Liên cho hay đa số người bán bảo hiểm đều là sinh viên đi làm thêm.
Chúng tôi hỏi: “Bảo hiểm 10.000 đồng là như thế nào?”. Liên trả lời: “Đây là bảo hiểm tai nạn cho xe máy. Anh chị mua bảo hiểm này thì CSGT không phạt đâu”. Khi người mua thắc mắc sao giá bảo hiểm tai nạn lại rẻ như vậy, Liên cho hay: “Các công ty bảo hiểm đang cạnh tranh nhau nên hạ giá thành tối đa. Anh của em mở đại lý, bán sản phẩm của Công ty Bảo hiểm A. nên giá mới rẻ vậy”. Liên cũng ngập ngừng giới thiệu mình còn bán loại bảo hiểm giá 66.000 đồng, 80.000 đồng nhưng “mấy cái này anh chị mua loại nào cũng được. CSGT kiểm tra thì cái nào cũng được hết”.
Tiếp tục ghé thêm nhiều chỗ bán bảo hiểm khác, chúng tôi thấy hầu hết người bán đều có hình thức giới thiệu sản phẩm y hệt Liên. Đa phần họ đều muốn hướng khách hàng mua loại bảo hiểm giá 10.000 đồng.
Các panô quảng cáo bảo hiểm xe máy tự nguyện giá 10.000 đồng/năm tràn lan trên đường. Ảnh: H.TRÂM
Vẫn bị phạt như thường
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người mua bảo hiểm 10.000 đồng cho hay họ chẳng quan tâm đến công dụng của loại bảo hiểm vừa mua. “Nghe người bán nói mua bảo hiểm này thì CSGT sẽ không phạt, giá lại quá rẻ nên tôi mua ngay. Thậm chí tôi còn chưa nhìn kỹ giấy bảo hiểm nữa mà” - anh Nguyễn Xuân, ngụ quận 10, cho hay sau khi vừa mua bảo hiểm dọc đường Ba Tháng Hai.
Anh Xuân cũng như nhiều người khác tỏ ra ngỡ ngàng khi chúng tôi cho hay nếu không mua bảo hiểm loại bắt buộc, họ vẫn sẽ bị CSGT xử phạt.
Chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ấm ức nói thêm: “Lúc trước tôi mua bảo hiểm giá 10.000 đồng ở lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi bị CSGT kiểm tra giấy tờ, tôi xuất trình giấy bảo hiểm trên nhưng không được chấp nhận. Các anh CSGT bảo người điều khiển xe máy cần mua loại bảo hiểm xe máy bắt buộc theo mẫu của Bộ Tài chính, bảo hiểm tôi mua là loại bảo hiểm tự nguyện nên chưa đủ. Vì thế tôi vẫn bị phạt như thường”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại úy Trần Thị Hồng Nhung - Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt (thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) cho biết: “Theo điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện cần xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi CSGT yêu cầu. Đây là loại bảo hiểm người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mua, còn các loại bảo hiểm tự nguyện khác thì tùy nhu cầu mà chủ xe có thể mua hay không”.
Người mua bảo hiểm phải tự biết! Thông tư 126/2008 của Bộ Tài Chính quy định bảo hiểm xe máy bao gồm hai loại: bắt buộc (theo mẫu của Bộ Tài chính) và tự nguyện (theo mẫu riêng các doanh nghiệp). Bảo hiểm bắt buộc có tên chính xác là giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Loại bảo hiểm này có giá 66.000 đồng. Loại bảo hiểm thứ hai là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe. Với mức giá 10.000 đồng/năm, người mua loại bảo hiểm này sẽ được bồi thường tối đa 10 triệu đồng khi có tai nạn xảy ra. Việc nhiều sinh viên chào bán bảo hiểm với mức 10.000 đồng, thay vì mức 66.000 đồng là bình thường. Đây là hình thức quảng cáo thu hút khách hàng, nói cách khác là chiêu thức trong kinh doanh của các công ty bảo hiểm. Còn người mua bảo hiểm phải tự biết họ đi mua cái gì và ích lợi của nó ra sao chứ không thể đổ lỗi cho nhân viên bảo hiểm. Một nhân viên công ty bảo hiểm tại TP.HCM |