Mua nông sản ở vùng dịch, có đảm bảo an toàn?

Tìm đầu ra cho nông sản vùng dịch

Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho các đầu ra nông sản. Theo đó hàng loạt các cuộc "giải cứu" nông sản từ vùng dịch ra đời. Tiêu biểu như các chiến dịch hỗ trợ nông sản của Bộ Công Thương kết hợp với các hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước, hay mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) trên các trang thương mại điện tử (TMĐT)....

Đơn cử chiến dịch giải cứu nông sản cho tâm dịch Hải Dương, đã giải cứu được hàng ngàn tấn su hào, cà rốt, bắp cải... Những chuyến xe chở đầy nông sản từ Hải Dương đi ra các tỉnh thành đã được kiểm tra qua các chốt kiểm dịch, tài xế đều có giấy xác nhận âm tính với Covid-19.

Các sản phẩm nông sản từ vùng dịch được hỗ trợ đầu ra, tăng kết nối thu mua cho người nông dân. Ảnh: N. Hà

Hay mới đây, hàng ngàn tấn vải thiều Hải Dương cũng được đưa lên các sàn TMĐT để tới tay người tiêu dùng trên cả nước, và thu được nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch sàn TMĐT Sendo cho biết, hơn 15 tấn vải thiều Thanh Hà đã được tiêu thụ chỉ sau 4 ngày mở bán trên sàn. Đây là một con số tích cực trong việc tìm đầu ra cho nông sản mùa dịch. Cũng trong những ngày vừa qua, 20 tấn vải thiều Bắc Giang đã lên đường sang Nhật, dù Bắc Giang đang là tâm dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ những băn khoăn trước nguy cơ tiềm ẩn mầm dịch trong hàng hóa từ các vùng dịch chuyển đi các địa phương khác, cho dù người vận chuyển được khử khuẩn và có kết quả xét nghiệm âm tính với COIVD-19. Trong khi đó, chưa có nghiên cứu nào khẳng định hàng hóa từ các vùng có dịch được loại bỏ nguy cơ có chứa mầm dịch bệnh nguy hiểm này.

Hàng hóa từ vùng dịch đảm bảo an toàn

Trước những lo lắng này, từ tháng 3, Bộ Công thương đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản vùng có dịch COVID-19. Theo đó các đơn vị thu mua của nhà bán lẻ như hệ thống siêu thị, cá nhân, tổ chức, các sàn thương mại điện tử sẽ theo kế hoạch thực hiện, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cụ thể, trong văn bản nêu rõ, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.

Đơn cử như Công văn số 898/BYT-MT ngày 07-02-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa, yêu cầu người điều kiển phương tiện hàng hóa phải ghi chép lại hành trình vận chuyển, tiếp xúc, thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang sát khuẩn tay thường xuyên… Đồng thời tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có dịch, để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ.

Trước đó, với các chuyến xe giải cứu nông sản tỉnh Hải Dương lên Hà Nội vào tháng 3 vừa qua, khi tài xế đi qua các chốt kiểm dịch, hàng hóa và xe vận chuyển đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng trước khi đi vào thành phố tiêu thụ.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng nông sản lên sàn TMĐT, cũng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng dịch. Theo ông Vũ Bá Phú, để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ ruộng vườn đến tay người tiêu dùng, Cục XTTM đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng.

Sản phẩm vải thiều được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi tới tay người tiêu dùng. Ảnh: N.Hà

Đơn cử, trái vải Thanh Hà đã được các đơn vị sản xuất của Hải Dương nhập dữ liệu từ nhiều tháng nay, đồng thời thực hiện đồng bộ với những giải pháp kỹ thuật, dán tem nhãn sản phẩm. Một số sản phẩm khác như bắp cải, su hào, cà rốt... cũng được áp dụng truy xuất nguồn gốc trong thời gian cách ly do dịch bệnh hồi đầu năm. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm