Trên số báo ngày 28-2, chúng tôi đã phản ánh trường hợp anh Phạm Minh Hải, chủ nhân của chú chó giống French bulldog, có nhờ người thuê một công ty vận chuyển chó cưng vào TP.HCM bằng máy bay. Sau đó anh Hải tá hỏa khi biết chó đã chết vì lý do thùng hàng đựng chó được đóng quá kín làm chó ngạt thở. Vậy muốn vận chuyển thú cưng an toàn bằng máy bay, hành khách phải làm sao?
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (quận 3, TP.HCM) cho biết anh vừa vận chuyển thành công một con mèo giống Thái Lan từ Paris (Pháp) về nước bằng đường máy bay. Để làm được thủ tục visa cho con mèo cũng chật vật hơn cả con người với nhiều giấy tờ, chứng nhận như giấy kiểm dịch động vật và tiêm chủng, giấy phép nhập cảnh và các giấy phép khác nhau của Pháp và theo yêu cầu của hãng hàng không. Trong quá trình tìm hiểu thủ tục để vận chuyển mèo cưng, anh Nghĩa biết rằng chỉ rất ít hãng đồng ý vận chuyển chó, mèo. Ngoài ra còn phải tìm hiểu về quốc gia đến có cho động vật nhập cảnh hay không nữa. Muốn con mèo cưng của mình được lên cabin để có thể chăm sóc trong suốt chuyến bay anh phải mua vé hạng thương gia cao hơn nhiều lần so với vé thường.
Chó, mèo có thể lên cabin với chủ
Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Vietnam Airlines (VNA), cho biết hãng chỉ cho vận chuyển trên cabin đối với chó, mèo khoảng 10 tuần tuổi, vật nuôi và túi đựng nặng không quá 6 kg. Dịch vụ này cung cấp cho khách hạng thương gia, khách hội viên hạng bạch kim (theo xếp hạng của VNA đối với khách hàng có nhiều chuyến bay trong năm) và khách hội viên Elite Plus của Liên minh Hàng không toàn cầu - Skyteam. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ áp dụng trên các đường bay quốc tế từ sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đến Paris (Pháp); Incheon, Busan (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc); Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan).
Hành khách không thuộc đối tượng trên thì vận chuyển vật nuôi theo dạng hành lý ký gửi.
Theo VNA, hành khách vận chuyển thú cưng phải đặt dịch vụ trước 36 tiếng đồng hồ so với giờ bay dự kiến. Thú cưng cảnh phải có giấy kiểm dịch động vật và tiêm chủng, giấy phép nhập cảnh và các giấy phép khác do các quốc gia tại điểm khởi hành, quá cảnh hay điểm đến quy định. Hành khách phải liên hệ trước với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đến để nắm rõ về quy định pháp luật về nhập cảnh thú nuôi.
Chó French bulldog của anh Hải lúc còn sống và thùng nhốt chó bị dán kín lỗ thông hơi bằng băng keo tại kho quốc nội của Vietnam Airlines. Ảnh: CT
Một thùng đựng chó, mèo khi đi máy bay được bán phổ biến ở các siêu thị chó, mèo.
Lỡ thú cưng chết, hành khách chịu
Ông Lê Trường Giang cho biết các chuyến bay trong nước chỉ vận chuyển vật nuôi dưới dạng hành lý ký gửi. Các yêu cầu về vận chuyển thú cưng cần đặt trước ít nhất trước giờ dự định cất cánh là 24 tiếng. Hành khách phải liên hệ với chi cục thú y, trung tâm phòng, chống dịch và kiểm dịch động vật tại địa phương để được cấp giấy kiểm dịch động vật và tiêm chủng. Chỉ có những thú cưng có sức khỏe tốt (bác sĩ thú y khám) và không có mùi hôi khó chịu mới được chấp thuận vận chuyển. Những thú cưng có sức khỏe kém hay đang mang thai sẽ bị từ chối vận chuyển.
Tuy nhiên, đại diện VNA cho hay hành khách phải chấp nhận mọi rủi ro về thương tật, bệnh hay tử vong của thú cưng trong suốt quá trình vận chuyển.
Hành khách phải tự lo lồng nhốt thú cưng Về lồng để vận chuyển thú cưng, ông Lê Trường Giang, đại diện VNA, cho biết hành khách phải tự chuẩn bị lồng nhốt vật nuôi (vật liệu nhựa, kim loại). Lồng phải đủ rộng để thú nuôi có thể đứng, ngồi, nằm thoải mái; có cửa thông khí, lót thấm, chuẩn bị đồ ăn, nước uống đầy đủ. Phí vận chuyển sẽ tính theo trọng lượng lồng + vật nuôi. Trọng lượng dưới 9 kg là 250.000 đồng, 9-16 kg là 400.000 đồng, 16-32 kg chịu phí 700.000 đồng. Nếu trọng lượng lớn hơn hãng sẽ xem xét lại hình thức vận chuyển và mức phí. Nhân viên một hãng hàng không kể trong quá trình làm thủ tục có một hành khách lần đầu đi máy bay, khi ra sân bay làm thủ tục ông mang theo một con gà trống còn sống, nói muốn đem vào cho con trai trong Nam làm giống vì giống này thuần chủng, rất quý. Tất nhiên là nhân viên của hãng từ chối vận chuyển và giải thích rõ quy định. Ông khách đứng bần thần một lúc đành ra gọi người nhà đem về, nói sẽ tính cách khác đem vào. |