Mức phí "lăn bánh xe" phải có cơ sở khoa học

Mức phí "lăn bánh xe" phải có cơ sở khoa học ảnh 1
Như đã thông tin, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, trong đó bộ này đề xuất mức phí đối với ô tô cá nhân 20-50 triệu đồng/xe/năm. Ngày 14-3, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về đề án này, TS Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT,ĐH GTVT (ảnh), nhấn mạnh:

Việc người đóng phí để chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước là việc cần làm. Tuy nhiên, muốn thu phí thì trước hết cơ quan soạn thảo cần phải minh bạch, làm rõ các cơ sở khoa học nào để ban hành ra mức phí cho người dân biết.

. Ông nói chưa rõ cơ sở để đưa ra mức phí lưu hành phương tiện 20-50 triệu đồng/năm. Vậy theo ông, đề án cần phải làm rõ thêm những nội dung gì?

+ Về nguyên tắc, hễ sử dụng đường thì phải có trách nhiệm đóng phí cho Nhà nước, cho xã hội. Tuy nhiên, để tránh phí chồng phí, nhất là trong bối cảnh chúng ta cũng đang xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ thì đòi hỏi cơ quan soạn thảo đề án phí lưu hành phương tiện phải đưa ra được các cơ sở khoa học tính phí. Nghĩa là phải giải thích, phải chứng minh được cho người dân biết cơ sở khoa học nào để đưa ra mức phí đó.

Mức phí "lăn bánh xe" phải có cơ sở khoa học ảnh 2

Phí bảo trì đã được thông qua, sắp tới sẽ đến lượt phí lưu hành phương tiện cá nhân? Ảnh: HTD

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng phải điều tra, đưa ra các luận chứng để thuyết phục rằng mức phí đó nếu được áp dụng thì sẽ giảm được bao nhiêu phương tiện tham gia giao thông trên một tuyến đường, mức độ hư hại của đường sẽ giảm đi được bao nhiêu, lợi ích mà xã hội thu được là gì… Còn nếu không làm rõ được việc này thì rất khó để người dân ủng hộ và chia sẻ.

. Bộ GTVT lý giải việc thu phí là để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Vậy theo ông, sau khi thu phí những mục tiêu trên liệu có đạt được?

+ Để giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân cần phải có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tài chính, kinh tế là thu phí. Bởi phí lưu hành sẽ khiến những người định mua hoặc đang sử dụng ô tô phải cân nhắc kỹ túi tiền của mình. Ví như trước đây có vài trăm triệu đồng là có thể mua ô tô và đi ra đường luôn mà không phải quan tâm nhiều đến việc nuôi nó. Nhưng giờ đây, với nhiều thứ phí được ban hành thì khi mua ô tô sẽ phải suy nghĩ, tính toán xem mức thu nhập hằng tháng của mình có đủ để nuôi xe hay không. Như thế, số lượng phương tiện, nhất là ô tô đăng ký mới ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ có chuyển biến nhất định.

. Nhưng nếu thu quá nhiều loại phí như những gì mà Bộ GTVT đề xuất sẽ gây tác động rất lớn đến giá cả, thưa ông?

+ Việc tác động đến giá cả là điều khó tránh khỏi. Cho nên điều quan trọng là Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải đưa ra được các cơ sở khoa học để đưa ra mức phí hợp lý và người dân có thể chấp nhận được.

. Không chỉ ô tô, đề án còn thu phí cả với xe máy, theo ông việc này có hợp lý không khi mà những người nghèo sử dụng xe máy để đi làm, để buôn bán vẫn còn rất nhiều?

+ Để đảm bảo sự bình đẳng thì xe máy cũng nên đóng phí. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng xe máy không phải là đối tượng gây tắc đường. Bởi nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô tô chỉ chiếm 10% trong tổng số phương tiện giao thông nhưng chiếm 55% diện tích đường và 65% diện tích đỗ, còn xe máy thì ít hơn. Vì thế tôi cho rằng nên thu phí xe máy nhưng mức phí thấp thôi, chủ yếu để người dân thấy rằng có sử dụng đường, có điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì phải đóng phí.

. Xin cảm ơn ông.

Đóng phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-6

Ngày 13-3, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ. Điểm đáng lưu ý trong nghị định này là Chính phủ quyết định không thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô, xe máy qua xăng dầu mà sẽ thu theo đầu phương tiện. Nghị định cũng giao Bộ Tài chính xây dựng mức thu phí đối với ô tô và xe máy để có thể áp dụng từ ngày 1-6 tới.

Nguyên tắc phân chia tiền quỹ thu được là đối với ô tô, ngân sách trung ương được chia 65%, địa phương 35%; còn thu từ xe máy sẽ do địa phương quản lý. Đồng thời, hằng năm ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung cho quỹ để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng đường giao thông.

Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo thông tư về mức thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, xe máy. Sau đó, hai bộ sẽ thống nhất và ban hành mức thu phí này.

Được biết trước đó, khi xây dựng dự thảo Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí theo đầu phương tiện là từ 180.000 đến 1,4 triệu đồng/tháng đối với ô tô và 80.000-150.000 đồng/năm đối với xe máy.

Phải giảm mức phí ô tô xuống

Việc thu phí lưu hành xe ô tô là đúng bởi những người đi ô tô đa phần là có mức thu nhập khá và giàu. Tuy nhiên, nếu thu đến 20-50 triệu đồng/xe/năm là quá cao, cần phải giảm xuống và có lộ trình thực hiện theo hướng tăng dần. Chẳng hạn, khi năm đầu thực hiện thì chỉ nên thu 5 hoặc 10 triệu đồng/xe/năm, các năm tiếp theo sẽ tăng dần dần lên 10-15 triệu đồng. Như thế, người điều khiển giao thông sẽ bớt sốc và dễ dàng chấp thuận.

Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm