Muốn chống tham nhũng thành công, cả xã hội phải vào cuộc

Sáng 6-8, tại TP.HCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam.

Ông Huỳnh Đảm. Ảnh: THANH MINH

Tại hội thảo, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng tham nhũng là giặc nội xâm rất tinh vi ở chỗ mang danh, đội lốt, ẩn mình trong hệ thống chính trị nên khó nhận ra và phòng, chống không đơn giản.
“Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, thực chất thì công tác phòng, chống tham nhũng mới có hiệu quả” - ông Đảm nhận định.

Từ đó, ông Huỳnh Đảm đề nghị mặt trận cần phải phát huy vai trò của mình để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải thật sự là công bộc của dân.

Để có cơ chế giám sát quyền lực, ông Huỳnh Đảm đề nghị mặt trận tiếp tục kiến nghị để có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hoặc mỗi năm một lần đối với những người do HĐND bầu ra. “Lấy phiếu tín nhiệm có cơ sở đánh giá một cách chính xác cán bộ, tôi có niềm tin như vậy, chứ nói chung chung không bao giờ có hiệu quả” - ông Đảm nói và đề nghị muốn phát huy vai trò của mặt trận trong công tác phòng, chống tham nhũng thì mặt trận phải mạnh. Đội ngũ cán bộ mặt trận phải đủ bản lĩnh, mặt trận có mạnh mới giám sát được.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chống tham nhũng phải là sự nghiệp của một hoặc nhiều tập thể, thậm chí phải là trào lưu xã hội thì mới có cơ may thành công chứ một cá nhân khó có thể làm được. “Cá nhân chỉ đánh du kích, bắn tỉa và không hiệu quả” - ông Điện ví von.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng cá nhân khó chống được tham nhũng. Ảnh: THANH MINH

Tuy nhiên, ông Điện cho rằng kinh nghiệm các nước cho thấy để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả, điều kiện cần thiết là bản thân tổ chức xã hội phải thực sự là tổ chức đại diện của tầng lớp xã hội hoặc giới nghề nghiệp có liên quan. “Bản thân tổ chức xã hội phải bảo đảm sự minh bạch và trong sạch trong tổ chức và hoạt động. Về phần mình, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng cả trong giai đoạn xây dựng cũng như trong quá trình thực hiện chính sách, luật pháp” - ông Điện nói.

Để đảm bảo sự trong sạch, theo ông Điện, phải xây dựng bộ quy tắc đạo đức, trong đó có quy định hội viên phải cam kết không hợp tác, cũng không tiếp tay cho tham nhũng. Trong trường hợp tổ chức là một hiệp hội của các doanh nghiệp thì hội viên phải cam kết không dựa vào tham nhũng để tổ chức, triển khai hoạt động kinh doanh. Vi phạm quy tắc đạo đức này, hội viên phải bị khai trừ khỏi tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm