Muốn dạy tiểu học phải có bằng thạc sĩ

Hãy nhìn vào cách cô Keisa Sahlberg - một giáo viên Hà Lan thể hiện khi đứng lớp. Cô Sahlberg liên tục di chuyển trong phòng, không bao giờ dừng lại quá lâu khi giảng về hội họa cho các em học sinh tại Trường Meilahti Comprehensive School, Upper Stage. Ngôi trường này chỉ có hơn 400 học sinh nằm trong một khu phố yên tĩnh rợp bóng cây, không cách xa trung tâm thủ đô Helsinki. Cô Sahlberg là một người rất nghiêm khắc nhưng cô cũng hay cười. Vì thế, học trò ở đây, những người hay gọi thầy, cô của mình chỉ bằng tên gọi cũng không quá rụt rè khi tương tác với cô. Cô luôn quan sát, kiểm tra lại tập vở của đám học trò để theo dõi sự tiến bộ trong học tập của chúng. Thỉnh thoảng cô cũng để cho các học trò tự đánh giá bản thân để chúng tập tự ý thức về bản thân.

Không phân biệt học sinh giàu, nghèo

Ngoài việc cung cấp tri thức cho học sinh, đội ngũ giáo viên và cán bộ, nhân viên của Trường Meilahti Comprehensive School còn rất quan tâm tới tình trạng khỏe mạnh của học sinh. Bữa trưa của mỗi học sinh được miễn phí và đầy đủ dinh dưỡng như món salad rau, bánh lúa mạch và các món hầm thịnh soạn mà không phân biệt học sinh con nhà giàu và nhà có thu nhập thấp.

Mối quan hệ thân tình giữa giáo viên và học sinh cũng như sự nhiệt huyết đối với học sinh chính là điều đặc trưng từ lớp học này cho tới lớp học khác ở Phần Lan. Khi ký hợp đồng giảng dạy, các giáo viên nói rằng họ rất hài lòng với công việc mặc dù lương thấp hơn so với các quốc gia giàu có khác.

Một giờ học rất thú vị của học sinh tiểu học tại Phần Lan.

Đào tạo sư phạm khắc nghiệt không kém ĐH y

Phần Lan được coi là “thiên đường giáo dục” khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Đất nước này luôn chiếm thế thượng phong trong các nghiên cứu so sánh quốc tế của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD. Điểm khác biệt đưa hệ thống giáo dục Phần Lan xếp tốp bảng xếp hạng quốc tế chính là đào tạo sinh viên sư phạm đạt trình độ cao.

Ở Phần Lan, giáo viên mầm non phải có một tấm bằng tương đương cử nhân chuyên về giáo dục, trong khi những ai muốn giảng dạy ở cấp bậc tiểu học thì phải có bằng thạc sĩ. Quốc gia này quan niệm rất rõ ràng rằng muốn đào tạo ra một công dân tốt phải cho họ hiểu giá trị của giáo dục. Vì thế Phần Lan không ngừng tìm cách nâng cao hệ thống giáo dục nước nhà không chỉ bởi vì các bảng xếp hạng mà còn vì tương lai của đất nước.

Mối quan hệ mật thiết giữa lý thuyết và thực tế đã hình thành nên khái niệm tổng thể về đào tạo giáo viên. Vì thế lý thuyết giáo dục và sư phạm không xa rời thực tế. Mối liên kết chức năng giữa các trường đào tạo giáo viên và các phòng ban ĐH cho phép các giáo viên tương lai bắt đầu vận dụng kiến thức lý thuyết từ giai đoạn đầu của quá trình học tập.

Nổi tiếng và điển hình là trường đào tạo giáo viên Viikki ở miền Đông Helsinki - một trong những trường có truyền thống lâu đời nhất ở Phần Lan - được thành lập vào năm 1869. Ngôi trường này được xem là một “phòng thí nghiệm” cho các giáo viên tương lai thực hành.

Với phương châm đào tạo một giáo viên tiểu học quan trọng không thua kém đào tạo nên một bác sĩ, Viikki được ví von như các bệnh viện trực thuộc ĐH y khoa dành cho sinh viên y thực hành tay nghề.

Dạy học không thiết thực và thú vị thì đừng dạy

Theo Bản nghiên cứu về chất lượng giáo viên của tổ chức ActionAid năm 2010 của dự án Cải thiện thành tích học tập ở trường tiểu học (LLOPS), giáo viên giỏi là người có sứ mệnh hướng dẫn cho học sinh biết được quy trình học tập. Đồng thời biết cách làm việc học trở nên thiết thực và thú vị hơn trong mắt trẻ con.

Một giáo viên mầm non, tiểu học thực thụ phải có khả năng truyền đạt kiến thức và kỹ năng giúp trẻ em đảm bảo được các quyền lợi về giáo dục, cải thiện sức khỏe và có thể tự đánh giá được giá trị bản thân của chúng, cũng như có được những cơ hội bình đẳng trong việc làm.

Ở Phần Lan và nhiều quốc gia châu Âu, người ta quan niệm một giáo viên có thể là “hình mẫu lý tưởng” cho học sinh noi theo nếu họ có thể tuân thủ các nguyên tắc về công bằng xã hội, cư xử bình đẳng với học trò dù các em có khác nhau về chỉ số thông minh hay năng khiếu. Họ còn phải biết cách khích lệ, phát huy những thế mạnh đặc biệt của mỗi học trò. Từ đó cung cấp cho học sinh những kỹ năng thiết yếu để nhận thức, đánh giá và cải thiện thái độ phân biệt đối xử mà chúng biểu hiện ở nhà ở, trường học và ngoài xã hội.

Bản Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục của UNESCO (EFA GMR) cũng chỉ ra rằng “Những gì học sinh đạt được trong lớp học chịu sự ảnh hưởng chính từ phương pháp và kỹ năng của giáo viên”. Theo nhà giáo dục người Mỹ Linda Darling-Hammond (2002), những biến số thể hiện năng lực của giáo viên bao gồm trình độ học thuật, thời gian được đào tạo, số năm kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp xử lý tình huống, kiến thức giảng dạy, chứng chỉ hành nghề và cách hành xử của giáo viên trong lớp học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học sinh trong ngắn hạn và dài hạn.

Đánh giá kết quả, bỏ qua quá trình: Chỉ làm hư hỏng trẻ

Theo các nghiên cứu được tiến hành ở Đông Phi, Uganda là nước có thành tích học tập thấp nhất, đặc biệt là trong kỹ năng đọc viết ở học sinh dưới 10 tuổi. Theo đó, kỹ năng đọc viết tiếng Anh tệ hơn kỹ năng làm toán đối với học sinh từ tuổi 10-16. Amos Opaman, một quan chức của Văn phòng Đánh giá tiến bộ trong giáo dục quốc gia (Nape) của Hội đồng Tuyển sinh quốc gia Uganda, cho hay trong các cuộc kiểm tra tương tự về chất lượng đội ngũ giáo viên cũng cho ra kết quả rất tệ. Theo ông, những khó khăn mà hầu hết người học gặp phải xuất phát từ lượng kiến thức thiếu hụt của giáo viên về các khái niệm toán học cũng như các phương pháp đánh giá không đúng cách. Đa số giáo viên mầm non chỉ chú ý việc đánh giá kết quả học sinh thay vì đánh giá cả quá trình mà các em phấn đấu.

TS Anthony Muwagga Mugagga, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Giáo dục và Nghiên cứu ngoại giao (Cees), cho rằng vấn đề ở đây phải bắt đầu từ việc đào tạo giáo viên mầm non. “Trước khi những đứa trẻ bước chân vào cổng trường tiểu học, chúng vốn đã bị làm hư hỏng. Hệ thống giáo dục mầm non thuộc quản lý của tư nhân và họ chỉ làm những gì họ muốn và họ có lợi ích” - ông nói. Vị này nhận định thêm: “Chúng ta cần phải đại tu lại hệ thống mầm non thì chúng ta mới có được đội ngũ giáo viên xuất sắc cho các trường mầm non”. Ông cho rằng cần tạo ra một kế hoạch chiến lược nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non và họ nên chịu sự kiểm soát của Bộ Giáo dục bởi Bộ Giáo dục hiện giống như “gà mờ” về những gì xảy ra với các trường mầm non.

Ông Musisi chỉ ra thêm vấn nạn hiện nay nhiều người nắm nhiệm vụ đào tạo giáo viên nhưng không bước ra từ “lò” đào tạo giáo viên. Chẳng hạn như ĐH Makerere, bất cứ ai có thành tích xuất sắc đều được giữ lại trường giảng dạy mặc dù họ không biết chút gì về phương pháp đào tạo. Điều quan trọng là tất cả người đào tạo giáo viên đều phải có nghiệp vụ sư phạm nhưng nhiều quốc gia lại xem nhẹ chuyện này, nhất là việc tập trung đào tạo lực lượng giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học.

Báo cáo của Nape đề xuất rằng đội ngũ giáo viên phải cắt giảm việc giảng dạy ngoài giờ, điển hình là việc dạy thêm để dành thời gian cho việc tương tác trong trường học. Thêm vào đó, chính phủ Uganda phải tăng số năm đào tạo giáo viên mầm non.

Giáo viên được coi như chuyên gia

Ở Phần Lan, đội ngũ giáo viên trẻ được tự do lựa chọn phương pháp dạy học. Việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan không chỉ dựa trên các nghiên cứu mà tất cả sinh viên học thạc sĩ ngành sư phạm tiểu học còn phải tự nghiên cứu. Những nghiên cứu của giáo viên không đơn thuần xuất phát từ sách vở, lý thuyết mà còn từ chính các em học sinh - “khách hàng” chính của họ. Ông Olli Mattaa, chuyên gia đào tạo giáo viên Phần Lan, đã chứng minh quyết định của chính phủ từ những năm 1970 về đào tạo giáo viên tiểu học là rất đúng. Giáo viên ở Phần Lan rất được hiệu trưởng, phụ huynh và học sinh coi trọng như các chuyên gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới