Nếu chị L. cầm nhầm iPhone 5 thì việc này chỉ có thể xảy ra khi có nhiều chiếc iPhone 5 để ở một vị trí; khi chị L. lấy điện thoại, do không để ý nên cầm nhầm điện thoại của người khác. Do chị tưởng là điện thoại của mình nên sau khi chụp ảnh xong bỏ vào túi cũng là việc dễ lý giải. Nếu đúng như vậy thì sau khi ông Tiến phát hiện mất điện thoại hoặc chị L. biết mình đã cầm nhầm thì chị L. phải trả lại cho ông Tiến. Nếu chị L. cố tình không trả thì hành vi của chị cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141 BLHS).
Nếu chị L. lợi dụng sự không chú ý của ông Tiến để lấy điện thoại rồi sử dụng như không có chuyện gì xảy ra, mọi người (kể cả ông Tiến) cũng nhầm tưởng đó là điện thoại của chị L. Sau khi phát hiện mất điện thoại, ông Tiến mới hỏi chị L. có cầm không mà chị L. không nhận thì hành vi của chị L. cấu thành tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS).
Tuy nhiên, theo ông Tiến, do mến mộ chồng chị L. nên ngày 9-12-2013 ông mời vợ chồng chị đến nhà chơi. Sau đó, chị L. mượn iPhone 5 của ông chụp ảnh lưu niệm rồi bỏ luôn vào túi. “Mất mobile, tôi hỏi L. có lấy không thì cô ấy bảo không rồi về TP.HCM. Vài ngày sau, con tôi… thấy em trai L. xài “dế” của tôi nên vụ việc được tố cáo”.
Như vậy nếu chị L. có mượn điện thoại iPhone 5 nhưng không trả, khi ông Tiến đòi lại nói không lấy thì hành vi của chị cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
LS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao