Ông Trần Bình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam – Vinaland vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc triển khai xây dựng dự án Vinaland Tower và xử lý nợ chứng chỉ quyền mua nhà.
Theo đó, Vinaland cảm ơn khách hàng đã đồng hành chia sẽ cùng công ty trong thời kỳ hết sức khó khăn vừa qua. Hội đồng quản trị Vinaland cũng nhận lỗi với các khách hàng sở hữu chứng chỉ quyền mua nhà vì đã không thực hiện được cam kết theo Quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở ký năm 2009.
Trong năm 2015 và 2016, công ty đã trả được hơn 60% tổng số dư nợ của khách hàng bằng việc hoán đổi nợ chứng chỉ sang nhận sạp kinh doanh ở chợ Phước Long, quận 7.
Công ty cũng được cấp quyết định giao đất và giấy phép xây dựng để làm dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư Vinaland Tower ở phường Phú Mỹ, quận 7. Dự án sẽ làm xong phần móng vào cuối quý I năm 2017 và bàn giao căn hộ vào cuối năm 2018.
Chứng chỉ quyền mua nhà do Vinaland phát hành
Vinaland đưa ra 2 phương án giải quyết cho khách hàng đã sở hữu chứng chỉ quyền mua nhà do mình phát hành. Phương án một là chuyển đổi nợ sang mua căn hộ tại dự án Vinaland Tower. Đơn giá xây dựng mà mỗi khách hàng phải đóng thêm là 12,353 triệu đồng/m2.
Cách thứ hai là công ty sẽ trả lại tiền gốc và lãi, tính từ lúc Vianland phát hành chứng chỉ cho chủ nợ tới ngày 9 – 1 – 2014. Từ ngày 9 – 1 – 2014 cho tới thời điểm công ty trả tiền, khách hàng sẽ được tính lãi 5% cho cả gốc và lãi.
Thời gian mà Vinaland trả tiền cho khách hàng là tháng 3 – 2017. Khách hàng muốn nhận lại tiền hay nhận căn hộ phải gửi văn bản theo mẫu về Vinaland trước ngày 30 – 12 để công ty thực hiện việc trả nợ.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh hàng trăm người có nguy cơ mất trắng số tiền tiết kiệm thông qua việc góp vốn lấy chứng chỉ quyền mua nhà của của Vinaland từ 6 năm trước.
Ưu điểm của chứng chỉ này là chỉ tích lũy hàng tháng 5 – 10 triệu đồng để chuyển đổi sang sở hữu bất động sản mà không cần ngay một số tiền lớn. Nếu có việc đột xuất mà không góp tiếp thì quyền lợi của người gửi vẫn đảm bảo. Người mua dễ dàng kiểm soát được giá bất động sản mua trong tương lai, tính thanh khoản cao…
Tuy nhiên từ đó đến nay, dự án Vinaland Tower vẫn chưa xây xong. Thời hạn của hợp đồng góp vốn đã hết, nhiều khách hàng tìm đến Vinaland để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết.
Góp vốn từ năm 2009 nhưng đến nay dự án Vinaland Tower vẫn chưa xong phần móng
Hồi năm 2009, kế hoạch phát hành chứng chỉ quyền mua nhà của Vinaland đã thu hút sự chú ý của thị trường. Đây là một sản phẩm cần cho nhiều người dân, là một giải pháp huy động vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên về cơ sở pháp lý, loại chứng chỉ này còn có nhiều ý kiến khác nhau…
Sau đó, Đoàn thanh tra của ngân hàng Nhà nước đã đến làm việc tại Vinaland. Theo quy chế Vinaland xây dựng, nếu sau ngày 9 – 1 – 2014 mà công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ tiền đã góp và lãi suất với mức bằng 200% của lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước ban hành hoặc tiếp tục chờ mua nhà của công ty.
Đoàn thanh tra cho rằng mức lãi suất trên chưa phù hợp với lãi suất quy định tại khoản 1, điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 là lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước.
Sau kết luận của Đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước, Vinaland cũng ngừng luôn việc phát hành chứng chỉ quyền mua nhà và không thể triển khai xây dựng được dự án Vinaland Tower như đã cam kết.