Ông P đang phụ điều dưỡng sắp xếp chén bát lên kệ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nơi người “không bình thường” nuôi ước mơ đời thường - Bài 2:

Muốn như người bình thường sao khó quá!

(PLO)- Nhiều bệnh nhân tâm thần điều trị ổn định được cho về nhà nhưng sau đó phải quay lại bệnh viện do không chịu nổi sự xa lánh, kỳ thị.

Tại BV Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai), khi nói chuyện với bác sĩ (BS), điều dưỡng hoặc bất kỳ ai, đa số bệnh nhân xưng “con” cho dù người đối diện đáng tuổi con cháu.

Quên nhiều thứ, chỉ nhớ cháu, thương con

Bà Nguyễn Thị Ngoan Hiền, điều dưỡng trưởng Khoa cấp tính nữ của BV, đưa chúng tôi tới gặp một bệnh nhân nữ lớn tuổi tên N. Bà N đang ngồi với gương mặt thẫn thờ nhưng cứ ai đó hỏi tới là bà lại cười.

Khi nghe PV hỏi tên tuổi, vì sao lại vào BV, bà trả lời một lèo: “Dạ “con” tên N, 62 tuổi, vì hay la hét và đập phá nên được đưa vô BV. “Con” có năm người con nhưng không đứa nào đón về nhà. “Con” thương nhớ các con cháu lắm”. Dứt lời, bà N xòe tay: “Có tiền không? Cho “con” xin 10.000 đồng mua nước uống”.

Ông P đang phụ điều dưỡng sắp xếp chén bát lên kệ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ông P đang phụ điều dưỡng sắp xếp chén bát lên kệ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bà Hiền cho biết bà N chỉ trả lời đúng tên. Tuổi của bà nay đã hơn 70, còn những thông tin sau đó thì không thể xác định do bà đến BV đã lâu và cũng không thấy ai đến thăm. “Bà N bị tâm thần phân liệt nên hay hoang tưởng, ảo giác, suy giảm nhận thức. Trước đây bà hay chống đối, đánh đấm điều dưỡng nhưng sau thời gian điều trị bệnh tình có giảm” - bà Hiền chia sẻ.

“Gặp ai bà N cũng nói thương con, nhớ cháu. Bệnh nhân tâm thần cho dù suy giảm nhận thức nhưng tình mẫu tử vẫn in đậm trong trí nhớ, do vậy tôi tin bà có con cháu. Nếu con bà N còn, tôi hy vọng họ sẽ đến đây thăm mẹ nay mai để bà nguôi ngoai nỗi nhớ và mau hết bệnh” - bà Hiền nói.

Muốn được như người bình thường

Trò chuyện với bệnh nhân tâm thần TVH (38 tuổi), tôi cảm nhận như đang nói chuyện với một người bình thường. Năm 2007, anh được mẹ đưa đến BV bởi hay la hét, đập phá… do hoang tưởng, ảo giác. Các BS cho biết anh bị chứng tâm thần phân liệt.

Những điều hai bệnh nhân H và P chia sẻ khá chính xác. Do điều trị lâu nên hiện họ khá ổn định, sẽ sớm được xuất viện. Mong là khi họ về nhà sẽ nhận được sự quan tâm, gần gũi của mọi người. Nếu có thể tạo việc làm thì rất tốt vì nó sẽ giúp họ mau thích nghi với môi trường và cộng đồng.

ĐẶNG THỊ HỢI, điều dưỡng trưởng Khoa cấp tính nam BV Tâm thần trung ương 2

Thời gian đầu đến BV, anh H thường lên cơn kích động, lớn tiếng, đấm đá, đạp ngã điều dưỡng nên phải vào phòng cách ly. “Sau này do uống thuốc đầy đủ, lại được tham gia các trò chơi tập thể, ca hát… nên bệnh tình của “con” dần cải thiện” - anh H nói rất tỉnh táo.

Khi bệnh tâm thần ổn định, anh H rất vui khi được BV cho về nhà. Nhưng chẳng bao lâu sau, do người nhà bận công việc, ít trò chuyện cùng nên anh buồn nản. Chưa hết, biết anh từng bị tâm thần nên bạn bè và xóm giềng cũng ngại gặp gỡ, trò chuyện khiến anh sống trong tâm trạng cô độc, chán chường.

“Thời gian đó vì buồn quá, “con” bỏ uống thuốc nên bệnh tái lại đến nỗi gia đình phải đưa vô BV. “Con” chẳng may bị tâm thần, được điều trị ổn định và muốn có cuộc sống như người bình thường mà sao khó quá!” - anh H tâm sự.

Mong nhận được sự đồng cảm

Giống anh H, ông ĐVP (52 tuổi) cũng phải vào lại BV Tâm thần trung ương 2 do bị kỳ thị, xa lánh. Cách đây khá lâu, do mất ngủ thường xuyên lại hay nói nhảm, đập chén, quăng ly… nên người nhà đưa ông vào BV, các BS chẩn đoán ông bị rối loạn hoang tưởng.

Sau thời gian ở BV uống thuốc đều đặn kết hợp với trị liệu phục hồi chức năng, ông giảm dần các cơn kích động, được điều dưỡng nhờ nhổ cỏ, đẩy xe cơm, xếp chén bát lên kệ… “Khi sức khỏe ổn định, “con” được BV cho về nhưng gia đình thiếu quan tâm, lại bị hàng xóm, người quen xa lánh nên “con” cảm thấy cô độc, chán không muốn uống thuốc điều trị… và sau đó thì bệnh tái phát” - ông P kể, đồng thời khoe rằng sắp được ra viện một ngày không xa. ““Con” mong lần này về sẽ nhận được sự đồng cảm của mọi người. Trước đây “con” làm bảo vệ, về nhà sẽ xin làm việc này để kiếm tiền nuôi thân” - nghe ông P nói khó có thể nghĩ đây là bệnh nhân tâm thần.

Các nữ bệnh nhân tâm thần quét dọn nhà cửa để dần phục hồi trí nhớ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Các nữ bệnh nhân tâm thần quét dọn nhà cửa để dần phục hồi trí nhớ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đúng ngày hôm đó con trai ông P cũng đến BV thăm cha. “Hồi đó, do mẹ mất nên khi cha ra viện, tôi đưa về ở chung. Thế nhưng do bận rộn, vợ chồng tôi ít trò chuyện với cha, thêm nữa hai cháu còn nhỏ do ít gặp ông nội nên cũng ngại tới gần. Đã vậy, một số người còn có ý tránh tiếp xúc chỉ vì cha tôi từ BV tâm thần về. Tất cả điều này khiến cha tôi bệnh lại” - con trai ông P tâm sự.

“Lần này cha về, vợ chồng và con tôi sẽ gần gũi, trò chuyện với ông nhiều hơn. Tôi cũng sẽ đưa cha tới thăm người quen, hàng xóm để tạo sự thân thiện, gần gũi, đồng thời tìm công việc thích hợp để cha làm cho vui, khuây khỏa” - con trai ông P trải lòng.

Bài 3: Gắn bó với nghề vì 2 chữ “tình thương”

Không ít người có thái độ kỳ thị, xa lánh… người bệnh tâm thần. Điều này là bức tường vô hình khiến người bệnh khó vượt qua để hòa nhập với cộng đồng sau khi đã điều trị ổn định. Chính việc xa lánh, không thân thiện, ít trò chuyện, lắng nghe người bệnh tâm thần nói… sẽ khiến bệnh tình của họ nặng thêm, dễ rơi vào tâm trạng cô độc, buồn chán và không muốn uống thuốc điều trị.

Khi người bệnh làm được việc tốt, việc hay, mọi người hãy tán thưởng. Điều này giúp người bệnh cảm nhận được sự quan tâm của gia đình, thấy mình không phải là người ngoài cuộc.

Lưu ý nữa là không để người bệnh ở trạng thái thụ động mà hãy cho họ làm việc gì đó để họ cảm thấy mình vẫn còn có ích. Nên đưa người bệnh đi đây đi đó, tạo cơ hội giao tiếp với nhiều người.

BS VÕ THÀNH ĐÔNG, Giám đốc BV Tâm thần trung ương 2

Đọc thêm