LTS:Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai) đang điều trị và chăm sóc gần 1.000 bệnh nhân tâm thần nhiều lứa tuổi, giới tính. So với chăm sóc những người bệnh khác, điều dưỡng bệnh viện tâm thần vất vả hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, họ vẫn gắn bó và hết lòng với công việc, những mong bệnh nhân sớm trở lại bình thường.
Giọng buồn buồn, cha của bệnh nhân TTHT (15 tuổi) chia sẻ: “Cách nay vài tháng, con tôi đột nhiên hay la hét, không chú ý những gì xảy ra xung quanh, thường hỏi “con là ai?”. Lo lắng, tôi cho cháu đi khám bác sĩ (BS) tư thì nhận được lời khuyên tinh thần cháu không ổn định, cần đưa tới bệnh viện (BV)”.
Ước mơ bình dị của những đứa trẻ
Tại BV Tâm thần trung ương 2, các BS chẩn đoán cháu T bị rối loạn tâm thần do áp lực học hành. Điều trị hơn sáu tuần tại Khoa tâm thần trẻ em, cháu được cho về. Tuy vậy, khi về nhà cháu nhất định không chịu uống thuốc, tiếp tục la hét nên gia đình phải đưa vào lại BV.
Điều dưỡng Hà Thị Mai đang tận tình hướng dẫn một trẻ tâm thần viết chữ. Ảnh: TRẦN NGỌC |
“Khi từ BV về cháu bị trẻ cùng lứa ở xóm xa lánh, chọc ghẹo, có bạn gọi “con điên” làm cháu kích động, nhiều lúc lớn tiếng với mẹ cha. Vào BV, tuy thỉnh thoảng vẫn la hét nhưng cháu nghe lời các cô điều dưỡng, không đập phá. Nhà có một đứa con lại mang bệnh vầy, vợ chồng tôi đứt từng khúc ruột” - anh nghèn nghẹn.
Khi qua cơn xúc động, anh khoe T rất thích vẽ, ước mơ trở thành họa sĩ. PV đưa quyển vở và cây viết, sau vài phút cháu đã vẽ xong con thỏ với củ cà rốt rất dễ thương. “Khi nào cháu được ra viện, tôi sẽ tìm thầy dạy vẽ để ước mơ làm họa sĩ của cháu sớm thành sự thật” - cha của T trải lòng.
Trường hợp tiếp theo là cháu NTN (14 tuổi, ngụ Đồng Nai). Mẹ của N chia sẻ nếu không bệnh thì năm nay cháu vào lớp 9. Hơn tháng trước N cứ lảm nhảm, chửi bới, đập phá đồ đạc nên gia đình đưa đi khám tại BV Tâm thần trung ương 2, BS chẩn đoán cháu bị rối loạn tâm thần do nghiện game, phải điều trị nội trú.
“Từ lúc N vào BV tôi phải nghỉ việc để ở gần chăm sóc, sơ sểnh một xíu là cháu chạy ra ngoài. Ở đây cháu được các cô điều dưỡng chăm sóc tận tình chuyện ăn uống, rồi dạy hát, chơi trốn tìm... Những lúc tỉnh táo, cháu thủ thỉ hết bệnh sẽ làm điều dưỡng để chăm sóc trẻ bị bệnh như mình” - mẹ N tâm sự.
Lát sau, khi PV đến thăm N và hỏi: “Cháu thích công việc của các cô điều dưỡng lắm phải không?”. N cười, gật gật đầu.
Con đã kiếm được tiền nuôi mẹ!
Vào một buổi chiều tháng 10, trời oi ả sắp chuyển mưa, theo hướng dẫn của các BS ở BV Tâm thần trung ương 2, PV tìm đến xóm nhỏ hỏi nhà bà LTKC (44 tuổi, ngụ Đồng Nai). Con trai bà đã được điều trị khỏi bệnh tâm thần, hiện làm bảo vệ cho một công ty sản xuất bao bì giấy.
Cháu T đang căm cụi vẽ hình con thỏ và củ cà rốt. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Lúc này, nhà chỉ có mình bà C, anh con trai đã đi làm. Nhắc lại chuyện những năm tháng trước kia, bà rơi nước mắt: “Khi con tôi chừng 14-15 tuổi, vợ chồng tôi thường bất hòa, đỉnh điểm đã có lúc động tay động chân. Những lúc như thế cháu rất sợ hãi, vào phòng đóng kín cửa. Một thời gian sau chúng tôi ly hôn, cháu sống với tôi nhưng cũng từ đó cháu thường trốn học, ở trong nhà tránh tiếp xúc với mọi người, thậm chí đòi chết”.
Thấy con bất thường, bà C đưa con đến BV Tâm thần trung ương 2 khám. BS cho biết con bà bị rối loạn tâm thần do ảnh hưởng từ những cuộc cãi vã và sau đó là ly hôn của cha mẹ, cần điều trị nội trú. Ngày con vào BV, bà đi theo để ở cạnh con. Ngoài được chăm sóc ăn uống, hằng ngày con bà được các điều dưỡng hướng dẫn sinh hoạt tập thể, ca hát, chơi thể thao… “Lúc tỉnh, con tôi ôm mẹ thủ thỉ: “Chừng nào hết bệnh, con đi làm kiếm tiền nuôi mẹ”. Nghe con nói vậy tôi chỉ biết sụt sùi”.
Sau thời gian điều trị, con bà được ra viện. Về nhà, với sự động viên của mẹ, sự sẻ chia và gần gũi của bạn bè, làng xóm… anh dần bình thường trở lại. “Khi cháu được 20 tuổi thì người quen giới thiệu làm bảo vệ cho một công ty. Mỗi tháng lãnh lương nó chỉ giữ một ít để xăng xe, còn lại đưa hết cho mẹ. Vậy là mong ước kiếm tiền nuôi mẹ của con tôi đã thành hiện thực” - bà C rưng rưng.•
Bài 2: Muốn như người bình thường sao khó quá!
Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tập thể
Trẻ điều trị tại BV đa phần do động kinh, co giật, nghiện game và điện thoại, áp lực học hành, tự phát bệnh, chậm phát triển tâm thần… Mắc bệnh tâm thần, lại ở tuổi dậy thì nên tâm lý trẻ dễ thay đổi, luôn có hành động và lời nói vô thức.
Tại BV, ngoài uống thuốc trẻ còn được trị liệu tâm lý như tập viết, vẽ, xếp hình, chơi tập thể… Để hạn chế trẻ mắc bệnh tâm thần, đặc biệt đối với trẻ nghiện game, điện thoại, nhút nhát, ngại giao tiếp, bị bắt nạt… rất cần sự quan tâm của gia đình và nhà trường.
Gia đình nên khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động tập thể, chơi thể thao, giải trí, thư giãn… sau những giờ học căng thẳng, không gây áp lực trong cuộc sống, học hành cho trẻ.
Bà HÀ THỊ MAI, điều dưỡng trưởng Khoa tâm thần trẻ em
BV Tâm thần trung ương 2