Lý do nhiều nơi hoãn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

(PLO)-  Nhiều tổ chức nước ngoài hiện ra thông báo tạm hoãn thi cấp chứng chỉ năng lực quốc tế với lý do đang “vướng” quy định của Bộ GD&ĐT.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-11, Hội đồng Anh (British Council) ra thông báo từ ngày 10-11, tất cả kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này ở Việt Nam sẽ bị tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Không chỉ Hội đồng Anh, trưa 10-11, tổ chức giáo dục IDP Education cũng đưa ra thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS.

Tạm hoãn kỳ thi để chờ phê duyệt

Theo Hội đồng Anh, quyết định trên nằm ngoài tầm kiểm soát và có ảnh hưởng tới tất cả kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế (gọi tắt là thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ) tại Việt Nam. Tổ chức giáo dục IDP Education cũng đưa ra thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS.

Theo hai đơn vị, thời gian tổ chức thi lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD&ĐT.

Việc thông báo tạm hoãn đột ngột của các đơn vị, tổ chức thi sẽ ảnh hưởng nhất định đến những người đang chuẩn bị dự thi. Ví dụ các kế hoạch của họ về việc du học hoặc hoàn thiện chứng chỉ để xin việc sẽ bị trì hoãn lại, ít nhiều gây hoang mang lo lắng. Tuy vậy, tôi khuyên họ đừng quá lo lắng, sốt ruột, vì có thể việc tạm hoãn này sẽ không kéo dài.

Ông ĐẶNG HỒNG CÔNG, Giám đốc điều hành Trung tâm Ôn thi CC-VC Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Huong IELTS Center (tỉnh Thái Nguyên), bà Bùi Thị Thanh Hương cho biết đã liên hệ với nhân viên Hội đồng Anh để hỏi về việc hoãn thi IELTS ngày 10-11 và được phản hồi Hội đồng Anh đang rà soát các quy trình thi, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các học viên theo Thông tư 11 của Bộ GD&ĐT. Việc này sẽ giúp kỳ thi được uy tín, minh bạch và các học viên cũng sẽ được hưởng lợi. Đối với các thí sinh đăng ký vào những ngày kỳ thi bị hoãn sẽ được hỗ trợ thay đổi lịch thi miễn phí. Hội đồng Anh vẫn nhận đăng ký lịch thi vào ngày 19 và 26-11 bình thường.

Trước đó, một số tổ chức cũng thông báo tạm dừng việc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Cụ thể, ngày 7-11, ban tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật Nat-test tại điểm thi Hà Nội đưa ra thông báo tạm dừng tổ chức kỳ thi vào ngày 11-12.

Lý do phải tạm hoãn kỳ thi được các tổ chức đưa ra là do Bộ GD&ĐT quy định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó yêu cầu các địa điểm tổ chức thi cần được cấp phép từ bộ này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hồng Công, Giám đốc điều hành Trung tâm Ôn thi CC-VC Việt Nam (Hà Nội), cho biết không chỉ riêng các hoạt động thi cấp chứng chỉ năng lực tiếng Anh phải hoãn mà còn cả các tiếng khác.

Ngoài IELTS, các kỳ thi như Aptis, TOEFL, TOIEC, HKS... cũng phải hoãn tương tự.

Ông Công cho rằng động thái của Bộ GD&ĐT là cần thiết bởi việc tổ chức thi, cấp các loại chứng chỉ cần có sự quản lý chặt chẽ, hướng đến chất lượng, uy tín thật đối với các chứng chỉ, tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng để kinh doanh trong lĩnh vực này.

Còn nhiều bất cập trong tổ chức thi cấp chứng chỉ

Ngày 10-11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có những chia sẻ về hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam.

Theo ông Độ, thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ.

Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.

Một trung tâm giảng dạy của Hội đồng Anh tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: H.LAN
Một trung tâm giảng dạy của Hội đồng Anh tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: H.LAN

Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Trong đó có tình trạng triển khai tràn lan rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.

Ngoài ra, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam.

Điều này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam như: Nghị định 86, Thông tư 11, Công văn 5781. Trong đó, Công văn 5781 của Bộ GD&ĐT có nội dung đôn đốc, chỉ đạo các sở GD&ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định 86 và Thông tư 11.

Tuy vậy, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định việc một số tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định 86 và Thông tư 11. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị. Do đó, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định.

Tăng cường quản lý thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Nội dung Công văn 5781 ngày 8-11 của Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nêu:

Tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 86 ngày 6-6-2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư 11 ngày 26-7-2022 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.

Chỉ cho phép các cá nhân thực hiện việc tổ chức thi tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD&ĐT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm