CÓ NÊN XÉT XỬ THEO ÁN LỆ?

Muốn tạo ảnh hưởng, phải công khai án

Ở các nước có nền tố tụng tiên tiến, án lệ được coi là một loại chuẩn mực đặc thù, hình thành từ sự lặp đi lặp lại một giải pháp cho một vấn đề trong nhiều bản án khác nhau. Sự lặp đi lặp lại ấy thể hiện sự trùng hợp trong suy nghĩ của các quan tòa về cách hiểu và áp dụng luật trong những trường hợp tương tự.

Tòa được giải thích luật

Cần nhấn mạnh rằng người thẩm phán trong một hệ thống tư pháp minh bạch luôn được độc lập, kể cả đối với thẩm phán tòa cấp trên, trong quá trình cân nhắc để đi đến quyết định lựa chọn cách hiểu, cách áp dụng pháp luật mà bản thân mình cho là đúng đắn. Sự giống nhau về nội dung của các quyết định thường là do các thẩm phán sử dụng các công cụ, phương pháp phân tích như nhau trong quá trình tiếp cận tìm hiểu luật viết, nhờ đó thu được cùng một kết quả.

Là cách giải quyết được nhiều thẩm phán lựa chọn đối với cùng một vấn đề pháp lý, theo thời gian án lệ được nhận ra như một xu hướng giải thích luật của cơ quan xét xử. Các quan tòa đi theo xu hướng đó trong quá trình xem xét giải quyết một vụ việc cũng giống như người dân tuân theo một tục lệ khi tham gia vào một giao ước trong cuộc sống dân sự.

Tự thân án lệ có sức mạnh

Thực ra án lệ có sức mạnh tự thân khiến người ta phải tuân phục mà không cần đến vai trò của công lực. Đó là một thứ luật của nội tâm.

Muốn tạo ảnh hưởng, phải công khai án ảnh 1

Trong thực tiễn xét xử, các bản án phải được công bố công khai để xã hội được biết đến. Ảnh minh họa: HTD

Đối với người dân thường, việc xử sự phù hợp với án lệ trong quá trình giao dịch có thể tạo ra sự yên tâm cho chủ thể: Trong trường hợp có tranh chấp, người làm đúng sẽ được hưởng sự bảo vệ của thẩm phán. Đối với bản thân thẩm phán, việc xét xử phù hợp với đường lối của tòa án cấp trên có thể giúp cho bản án được chấp nhận khi được xem xét ở cấp cao hơn.

Những lợi ích đó đã biến thành động lực thôi thúc con người đi tìm hiểu án lệ theo cùng một cách như người ta tìm hiểu luật viết.

Trong mấy năm trở lại đây đã hình thành một xu hướng mạnh mẽ điều chỉnh lại quan niệm về án lệ trong luật pháp Việt Nam cho phù hợp với quan niệm của các nước. Một mặt, các giải pháp của thực tiễn xét xử được ghi nhận trong các bản án, được coi như một cách hiểu của người thực hành luật đối với các quy tắc nhất định của luật viết, được áp dụng trong trường hợp đặc thù. Mặt khác, các giải pháp đó có thể được mọi người xem như khuôn mẫu xử sự trong những trường hợp tương tự, khuôn mẫu càng chắc chắn trong điều kiện các giải pháp được lặp đi lặp lại một cách kiên định trong thực tiễn xét xử.

Tất nhiên, để cho các giải pháp của thực tiễn xét xử phát huy được vai trò của nó, điều cần thiết là các bản án, quyết định của tòa án phải được toàn xã hội biết đến, nghĩa là phải được công bố công khai.

Được biết, hiện đang có một dự án mà mục tiêu là tập hợp, hệ thống hóa và thông tin rộng rãi các bản án, quyết định của tòa án dưới hình thức công báo tòa án hoặc kỷ yếu tòa án. Nếu dự án này được thực hiện trọn vẹn thì đến một lúc nào đó, các giải pháp của thực tiễn xét xử, do được phổ biến rộng rãi, sẽ tạo được ảnh hưởng như án lệ của các nước.

Thừa nhận án lệ để theo kịp cuộc sống

Nên giao việc giải thích luật cho thẩm phán thay vì đóng khung là chỉ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay. Luật pháp là lĩnh vực tư tưởng, thuộc kiến trúc thượng tầng, phản ánh cơ sở hạ tầng nên nó thường lạc hậu so với các quan hệ xã hội nó điều chỉnh. Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở những văn bản lập pháp và lập quy mà không công nhận án lệ chắc chắn sẽ không vận hành kịp với sự chuyển biến của xã hội. Cạnh đó, thẩm phán là người trực tiếp áp dụng pháp luật, giao cho họ quyền giải thích là phù hợp nhất…

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nhiều tiền đề để thừa nhận án lệ

Đầu tiên là ở chính sách, pháp luật của nhà nước. Cụ thể, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp nói: "... TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm". Tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định: "Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này..."

Cách lập pháp này, theo tôi, trong một chừng mực nhất định có thể hiểu rằng đã gián tiếp thừa nhận án lệ. Điều này được lý giải là luật chỉ ra nguyên tắc áp dụng nhưng không quy định cụ thể là tập quán nào là tập quán được áp dụng hoặc những loại quan hệ pháp luật nào được áp dụng tương tự pháp luật. Chỉ nói chung như vậy thì hội đồng xét xử sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mình mà quyết định tập quán và áp dụng tương tự. Điều đó có nghĩa là tùy vào ý chí chủ quan, kinh nghiệm xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và sự quyết đoán của thẩm phán mà áp dụng đâu là tương tự pháp luật để phán quyết.

Về thực tiễn, hằng năm ngành tòa án vẫn tổng kết những vụ án điển hình, nêu ra những tồn tại, vướng mắc để hướng dẫn cấp dưới áp dụng pháp luật thống nhất. Ngoài ra, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến án lệ như 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, tranh chấp từ hợp đồng xuất - nhập khẩu - án lệ của PGS-TS Hoàng Ngọc Thiết. Cạnh đó là tập hợp các bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao…

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm