Ngày 5-6, Ấn Độ và Mỹ cho biết hai nước đã đưa ra lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng trong vài năm tới. Theo hãng tin Reuters, đây được xem là một động thái mang tính bước ngoặt, sẽ thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.
Lộ trình được hoàn thiện tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ở New Delhi. Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi cho biết lộ trình được đưa ra nhằm thay đổi "mô hình" hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước.
Theo đó, hai nước sẽ "tăng cường hợp tác công nghệ và hợp tác sản xuất trong các lĩnh vực như chiến đấu trên không, hệ thống cơ động trên bộ, tình báo, giám sát, trinh sát, đạn dược và lĩnh vực dưới biển".
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (thứ hai bên trái) chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước cuộc họp hôm 5-6. Ảnh: AP |
Ngoài ra, lộ trình cũng bao gồm các đề xuất cụ thể, có thể giúp Ấn Độ tiếp cận với một số công nghệ tiên tiến của Mỹ. Tại cuộc gặp, ông Austin và ông Singh cũng cam kết xem xét các rào cản pháp lý cản trở sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Ông Austin cho rằng quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Ấn có ý nghĩa quan trọng, vì "chúng ta phải đối mặt với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng". “Các nền dân chủ giờ đây phải tập hợp lại với nhau, không chỉ vì lợi ích chung mà còn vì các giá trị chung của chúng ta” - ông Austin nói.
Theo hãng tin AP, Ấn Độ đang củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước bằng cách mua các công nghệ mới và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. New Delhi cũng muốn các nhà sản xuất quốc phòng lớn hợp tác với các công ty Ấn Độ, sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự ở Ấn Độ để tiêu thụ tại nước này và để xuất khẩu.