Mỹ có giữ cam kết an ninh ở châu Á?

Các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cần phải hiểu những hạn chế trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ trong khu vực, nếu không châu Á có thể lơ là mất cảnh giác trước một cuộc khủng hoảng mới.

Trang web The Interpreter của Mỹ ngày 6-6 (giờ địa phương) đã đăng bài viết của biên tập viên Harry Kazianis nhận định: Yếu tố chưa được đánh giá đúng trong chiến lược xoay trục của Mỹ chính là cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh. Liệu Mỹ có chịu hy sinh xương máu và tài sản hay không?

Về vốn liếng chính trị, Tổng thống Obama chỉ còn hai năm rưỡi của nhiệm kỳ. Do đó, vấn đề đặt ra là ông Obama có cân nhắc đến viễn cảnh Mỹ sẽ can dự vào xung đột tại châu Á, nơi mà nhiều ý kiến ở Mỹ cho rằng Mỹ không có lợi ích quốc gia.

Bài viết ghi nhận có thể Mỹ vẫn nuôi dưỡng ý định can dự vào châu Á nhưng hành động thì không, ngay cả với một đồng minh hiệp ước an ninh như Nhật.

Một binh sĩ Philippines thách thức tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hồi cuối tháng 3. Ảnh: AP

Nguyên do là Tổng thống Obama khó thuyết phục người dân Mỹ hy sinh để bảo vệ các đảo, đá, bãi trên biển Đông và biển Hoa Đông, những chỗ mà hầu hết họ khó tìm thấy trên bản đồ.

Nghi vấn đáng lo ngại này có thể là nguyên nhân tại Đối thoại Shangri-La mới rồi ở Singapore, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố Nhật sẽ giữ vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Úc cũng muốn vai trò lớn hơn trong khu vực.

trường hợp Tổng thống Obama quyết định can thiệp trước viễn cảnh Trung Quốc xâm lấn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người dân Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Bài viết nêu nghi vấn nếu đa số người dân Mỹ đã không ủng hộ hành động quân sự của Mỹ tại Syria thì liệu họ có ủng hộ cuộc chiến xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương?

Dù vậy, bài viết trên trang web The Interpreter vẫn tin tưởng rằng Mỹ cần phải tái cân bằng chính sách ngoại giao tại châu Á và phải tích cực giúp đỡ các nước đồng minh trong khu vực hơn nữa.

Bài viết tin rằng trật tự thế giới ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rất xứng đáng để Mỹ chiến đấu. Thịnh vượng và an ninh của Mỹ dựa trên trật tự quốc tế do Mỹ và các đồng minh tạo nên sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu trật tự này bị đổ, Mỹ sẽ cảm thấy mất an toàn.

Trả lời tạp chí Mỹ The National Interest ngày 9-6, nghị sĩ J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển (Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ), nhận định tương tự. Ông nói:

“Có một số ý kiến bàng quan ở Mỹ cho rằng Mỹ không cần phải bảo vệ vài đống đá trên biển Hoa Đông, cứ nhượng bộ Trung Quốc hoặc chia đôi quần đảo (Senkaku/Điếu Ngư) là xong.

Vấn đề ở đây không chỉ là quyền lợi hàng hải hay hàng không mà là các nguyên tắc Mỹ đã ủng hộ duy trì ở châu Á từ Chiến tranh thế giới thứ hai… Tôi chắc rằng quan hệ đối tác Mỹ-Nhật vững mạnh là cách thành công nhất để bảo vệ ổn định và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tôi hoan nghênh Nhật tăng chi tiêu quốc phòng, tăng đầu tư vào năng lực kiểm soát biển để bảo đảm quyền lợi của Nhật trong tranh chấp biển. Cùng với việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia, Nhật thể hiện Nhật là một chỗ dựa của ổn định Đông Bắc Á.

Tôi hoan nghênh Nhật chuẩn bị thay đổi hiến pháp để có thể nhận trách nhiệm lớn hơn, chủ động đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế. Điều hai nước cần làm lúc này là phát triển một chiến lược chống lại hành động áp bức phi quân sự của Trung Quốc. Tôi sẽ vận động Quốc hội khuyến khích và ủng hộ nỗ lực này”.

ĐĂNG KHOA - DUY KHANG

Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc

Tháng 10 tới, Đô đốc Harry B. Harris Jr. (bên phải ảnh) sẽ chính thức giữ chức tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Tuần trước, ông đã đến thăm Malaysia và tiếp xúc với Tư lệnh Hải quân Tan Sri Abdul Aziz Jaafar. Báo Sunday Star (Malaysia) ngày 15-6 nhận định chuyến thăm thuộc một phần trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ có giữ cam kết an ninh ở châu Á? ảnh 2

Trả lời phỏng vấn của báo, Đô đốc Harry B. Harris Jr. khẳng định Malaysia là một đối tác quân sự chính của Mỹ và hai nước đang đàm phán để Mỹ cung cấp cho Malaysia tàu tuần tra Mark V nhằm tăng cường năng lực hải quân của Malaysia, đặc biệt là lực lượng hải quân tại bang Sabah. Mỹ cũng đang cạnh tranh để có được hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho Malaysia và máy bay F18 là lựa chọn hoàn hảo nhất.

Đô đốc Harry B. Harris Jr. cho biết ông khá lo ngại về tình hình biển Đông, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa. Ông kêu gọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết theo cách hòa bình. Ông chỉ trích Trung Quốc đã có hành động khiêu khích và gây căng thẳng không cần thiết trên biển Đông. Đồng thời, ông hy vọng Trung Quốc sẽ chủ động giảm căng thẳng không chỉ với Việt Nam mà với các nước khác có tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm