Ngày 28-5, Hải quân Mỹ vừa tiếp tục triển khai một tàu chiến nữa đến thách thức tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, đài CNN dẫn thông tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ.
Tàu Mỹ áp sát những nơi Trung Quốc chiếm trái phép
Tàu khu trục USS Mustin lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đá Tháp (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nói với CNN rằng hành động của Mỹ nhằm cho thấy “các vùng biển này nằm ngoài cái Trung Quốc có thể tuyên bố một cách hợp pháp như chủ quyền biển của mình”.
Phía Trung Quốc đã triển khai tàu và máy bay đến gần tàu USS Mustin, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời đại tá Li Huamin, người phát ngôn của Chiến khu Nam bộ quân đội Trung Quốc cho biết trong ngày 28-5. Theo lời ông Li, phía Trung Quốc đã phát thông báo cảnh báo và đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực.
Trực thăng MH-60R Seahawk chuẩn bị hạ cánh xuống tàu khu trục USS Mustin lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ. Ảnh: US NAVY
Việc triển khai tàu USS Mustin di chuyển gần đảo Phú Lâm và đá Tháp là diễn biến mới nhất trong hàng loạt động thái gần đây của Mỹ ở Biển Đông. Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông, trong đó có hai lần vào cuối tháng 4. Hải quân Mỹ cũng thực hiện các cuộc tập trận chung với các đối tác gần các khu vực biển tranh chấp, như một cách gửi thông điệp phản đối đến Trung Quốc.
Tuần trước Không quân Mỹ tiếp tục triển khai một số máy bay ném bom B-1B Lancers bay trên Biển Đông.
Phần mình, quân đội Trung Quốc cũng có nhiều hành động thách thức Mỹ.
Tuần trước, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á - ông Reed Werner nói với đài Fox News rằng đã xảy ra “ít nhất chín” sự cố đáng ngại liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Mỹ trên vùng trời Biển Đông kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Cũng theo lời ông Werner, tàu khu trục USS Mudtin đã có lần chạm trán với một tàu hải quân Trung Quốc khi tàu Trung Quốc di chuyển “không an toàn và không chuyên nghiệp” ở Biển Đông hồi tháng 4.
Tàu này được cho đang làm công việc hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Truyền thông nước này có đưa tin một đội tàu hàng hải của Mỹ do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã thực hiện “các trận đánh giả định” ở Biển Đông hồi tháng trước.
Mỹ sẽ còn hiện diện lâu dài ở Biển Đông
Ngoài Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với một căng thẳng khác nghiêm trọng hơn là về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 (vốn khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Mỹ không chỉ cáo buộc Trung Quốc che giấu nguồn gốc và không minh bạch trong xử lý đại dịch mà còn lợi dụng thời điểm cả thế giới đang bận rộn chống dịch để theo đuổi tham vọng ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nói mình “quan ngại với các hoạt động cơ hội và đang gia tăng (của Trung Quốc) nhằm ép buộc các láng giềng và nhấn mạnh các tuyên bố hàng hải bất hợp pháp của mình ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang tập trung đối phó đại dịch COVID-19”.
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh đi tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS
Cuối tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa nhận xét quan hệ hai nước đang ở thời điểm “rủi ro cao”. Theo lời ông Ngụy nói bên lề kỳ họp quốc hội Trung Quốc thì “Mỹ đã tăng cường ngăn chặn và kiềm chế với phía chúng ta kể từ khi đại dịch bùng phát”. Ông Ngụy cho rằng Trung Quốc nên “tăng cường tinh thần đấu tranh, phải dám đánh và đánh tốt, chiến đấu để thúc đẩy sự ổn định”.
Trung Quốc lâu nay vẫn chỉ trích Mỹ gây rắc rối ở Biển Đông và gây mất ổn định khu vực. Về chỉ trích này, Bộ Quốc phòng Mỹ nói hành động của Mỹ ở khu vực “thúc đẩy sự ổn định cho khu vực, ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc, và mang lại sự bảo đảm cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi để họ có thể sát cánh cùng chúng tôi và các nước khác chống lại sự ép buộc của Trung Quốc”. Mỹ nhấn mạnh mình sẽ duy trì hiện diện lâu dài ở Biển Đông.