Mỹ lúng túng trong xử lý 2 xung đột ở Ukraine, Gaza

(PLO)- Nhiều nước chỉ trích Mỹ thiên vị quá mức cuộc xung đột Ukraine trong khi không có ứng xử phù hợp trước hành động của Israel với người dân Palestine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuyên bố hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ khẩn cấp cho Israel và Ukraine. Ông cho biết cả hai đều là đồng minh của Mỹ đang bị đối thủ tấn công với “quyết tâm hủy diệt hoàn toàn”. Ông cũng cho biết việc đảm bảo an ninh cho hai nước này là củng cố sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, giúp thế giới an toàn và gắn kết hơn.

Dù vậy, trong bối cảnh Israel đang chuẩn bị chiến dịch đổ quân can thiệp quân sự vào Dải Gaza, sự ủng hộ của Mỹ cho Tel Aviv bị nhiều nước phản đối khi đặt cạnh việc Mỹ suốt hơn một năm qua liên tục lên án chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động ở Ukraine.

ảnh-p16-26-10.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong chuyến công du của ông Biden tới Israel ngày 18-10. Ảnh: REUTERS

Nhiều nước nghi ngờ lập trường của Mỹ

Theo tờ The New York Times, Trung Đông lâu nay đã là một chiến trường trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng của các cường quốc ở khu vực Nam bán cầu - tên gọi chung của các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.

Ông Clifford Kupchan, Chủ tịch của Công ty phân tích rủi ro Eurasia Group (Mỹ), cho biết: “Các cuộc chiến ở Trung Đông sẽ tạo ra sự chia rẽ ngày càng lớn giữa phương Tây và các quốc gia như Brazil hay Indonesia, những quốc gia chủ chốt ở Nam bán cầu. Điều đó sẽ khiến hợp tác quốc tế về Ukraine, cũng như việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Nga, thậm chí còn khó khăn hơn”.

Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, chưa bao giờ công nhận Israel và Tổng thống Joko Widodo đã lên án các hành động của Israel đem tới “bất công liên tục đối với người dân Palestine”. Ông nói cuộc chiến ở Gaza sẽ chỉ làm tình hình toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, đe dọa giá dầu tăng cao sau khi xung đột Nga - Ukraine làm đình trệ hoạt động xuất khẩu lúa mì.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chỉ trích việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine và Israel là “khuyến khích” chiến tranh nhưng đổ lỗi cho cả hai bên về xung đột và đề nghị hòa giải.

Brazil với tư cách chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) luân phiên trong tháng này, cũng đã soạn thảo một nghị quyết ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, trong đó cũng lên án rõ ràng “các cuộc tấn công khủng bố tàn khốc của Hamas”. Tuy nhiên, sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết này với lý do “không đề cập quyền tự vệ chính đáng của Israel”, Đại sứ Brazil tại LHQ Sergio Franca Danese bày tỏ sự thất vọng. “Hàng trăm ngàn thường dân ở Gaza không thể chờ đợi thêm nữa. Thực ra họ đã đợi quá lâu rồi” - ông cho hay.

Các nhà lãnh đạo khối Ả Rập gồm Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập, Quốc vương Abdullah II của Jordan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud đều đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo (Ai Cập) về cái mà họ gọi là “tiêu chuẩn kép” của Mỹ.

Chẳng hạn, Quốc vương Abdullah II nói: “Ở bất kỳ nơi nào khác, việc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và cố tình bỏ đói toàn bộ người dân về lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm cơ bản sẽ bị lên án và trách nhiệm giải trình sẽ được thực thi. Luật pháp quốc tế sẽ mất hết giá trị nếu không được thực thi đầy đủ”.

Tham mưu trưởng quân đội Israel - ông Herzi Halevi ngày 24-10 tuyên bố quân đội nước này đã “chuẩn bị đầy đủ” các kế hoạch tiến công để đạt được mục tiêu trong chiến dịch đối phó Hamas ở Dải Gaza nhưng thừa nhận hoạt động này đã bị trì hoãn do vấn đề chiến thuật và chiến lược.

Ủng hộ cho Ukraine giảm vì chiến sự ở Gaza

Người Palestine cũng đã trực tiếp chỉ trích phương Tây vì đã không lên án các vụ đánh bom Gaza của Israel tương tự việc các nước này cáo buộc Nga dội tên lửa vào các TP và cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng những ngôn từ đanh thép.

Ông Nour Odeh, một nhà bình luận chính trị người Palestine ở TP Ramallah, cho biết khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, người Palestine ban đầu đã rất phấn khởi trước lập trường cứng rắn phương Tây. “Tuy nhiên, giờ đây dường như việc đổ quân vào nước khác chỉ xấu nếu thủ phạm không phải là đồng minh của họ” - ông Odeh chia sẻ.

Sự ủng hộ dành cho người Palestine từ lâu đã rất phổ biến ở khu vực Nam bán cầu nên cuộc xung đột ở Gaza hiện nay chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh rằng phương Tây đang coi trọng Ukraine quá mức bởi đây là cuộc chiến ở châu Âu. Phương Tây bị tố cáo đổ quá nhiều tiền trang bị vũ khí cho Ukraine, trong khi các khu vực khác bị bỏ rơi.

Chuyên gia Hanna Notte thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho biết quan điểm đang lan rộng lúc này là phương Tây “quan tâm người tị nạn Ukraine, nỗi đau khổ của dân thường Ukraine hơn những người đang chịu đau khổ ở Yemen, Gaza, Sudan, Syria”.

Điều đó giúp lý giải tại sao phương Tây đã thất bại trong việc thuyết phục các nước như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Với tình hình ở Gaza, nỗ lực đó trong tương lai vẫn sẽ gặp khó khăn.

Ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế thuộc LHQ, cho biết: “Đây là một vấn đề rất đau đầu đối với các nhà ngoại giao phương Tây vì họ đã dành rất nhiều thời gian trong năm nay để cố gắng thuyết phục Nam bán cầu về phe họ. Chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ và quan tâm đến Ukraine ngày càng giảm dần trong các thành viên LHQ trong năm nay”.

Ở châu Âu, các trang mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều tiếng nói từ bên trong các nước khu vực này chỉ trích các lãnh đạo không nhất quán trong cách tiếp cận hai cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Gần đây nhất, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt đăng tải dòng trạng thái Twitter khẳng định hầu hết thế giới đều nhận thức được tiêu chuẩn kép trong chính sách của phương Tây về hai cuộc xung đột và đây là vấn đề cần được giải quyết sớm. •

Mỹ muốn cùng Trung Quốc giải quyết xung đột ở Gaza

Trong phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông sẽ làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để ngăn chặn xung đột Hamas - Israel lan rộng.

“Các thành viên của Hội đồng Bảo an và đặc biệt là các thành viên thường trực, có trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn cuộc xung đột này lan rộng” - ông Blinken nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực không mở thêm mặt trận trong xung đột hiện nay, theo hãng tin Reuters.

Ông Vương dự kiến sẽ đến Mỹ vào ngày 26-10 để hội đàm với ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Giới chức Mỹ mong muốn Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran và các nước khác ở Trung Đông để giúp ngăn chặn xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm