Mỹ nỗ lực đa dạng hóa giới tinh hoa

(PLO)- Hiện phần lớn những người thuộc giới tinh hoa tại Mỹ đến từ các trường ĐH hàng đầu và vốn xuất thân từ các gia đình có tiền, và Mỹ đang nỗ lực thay đổi đặc điểm này, nhằm đa dạng thành phần sinh viên tại các trường ĐH và cả giới tinh hoa tương lai.

Những người tốt nghiệp từ các trường ĐH danh giá ở Mỹ nắm giữ phần lớn vị trí lãnh đạo cả trong hệ thống chính trị lẫn các tập đoàn, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiêu chí xét tuyển của các trường này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chí này chưa thực sự tuyển chọn những sinh viên ưu tú.

Giới tinh hoa của nước Mỹ xuất thân từ đâu?

Giới tinh hoa là một số ít người trong xã hội có quyền lực và sự ảnh hưởng, vì họ thông minh và giàu có.

Theo tạp chí Forbes, thu nhập của top 1% những người giàu nhất nước Mỹ hiện nay là từ 597,815 USD/năm trở lên, gấp 9 lần thu nhập trung bình ở nước này.

Theo tờ The Economist, kể từ năm 1967, 2/3 số thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ là cựu sinh viên của các trường hệ thống Ivy Plus (gồm các trường ĐH hàng đầu thuộc hệ thống Ivy League và các trường ĐH tư thục danh giá ở nước Mỹ). Hiện tại, 12% CEO của Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ) và 1/4 thượng nghị sĩ Mỹ cũng là cựu sinh viên của các trường thuộc hệ thống Ivy Plus.

Mặc dù số sinh viên tốt nghiệp từ các trường Ivy Plus ít hơn rất nhiều so với tổng số sinh viên trên toàn nước Mỹ, nhưng họ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội quốc gia này.

Một học sinh đang xem các câu hỏi trong lớp luyện thi đại học tại Trường Holton Arms, bang Maryland (Mỹ). Ảnh: AP

Theo tờ The New York Times, những học sinh xuất thân từ gia đình thuộc 1% người giàu nhất nước Mỹ sẽ có tỉ lệ trúng tuyển cao hơn 34% so với các học sinh bình thường khi có cùng điểm SAT hoặc ATC (bài thi đầu vào của các trường ĐH ở Mỹ). Đặc biệt hơn, những học sinh xuất thân từ gia đình thuộc 0,1% người giàu nhất nước Mỹ sẽ có tỉ lệ trúng tuyển cao hơn gấp đôi so với bình thường.

Theo Opportunity Insights - một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại ĐH Harvard, trong số những học sinh có cùng điểm thi, các trường ĐH ưu tiên con cái của các cựu sinh viên và các vận động viên hơn. Các trường ĐH hàng đầu của Mỹ mong muốn duy trì sự chuyển giao của cải và cơ hội giữa các thế hệ.

“Ivy League không có sinh viên thu nhập thấp vì họ không muốn sinh viên thu nhập thấp” - bà Susan Dynarski, chuyên gia kinh tế tại trường ĐH Harvard, cho biết.

Sự thật tiêu chí tuyển sinh của các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, nhóm Opportunity Insights đã chỉ ra 3 tiêu chí tuyển sinh của các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ.

Tiêu chí thứ nhất là “tuyển sinh kế thừa”. So với các học sinh có cùng trình độ, tỉ lệ trúng tuyển của những học sinh xuất thân từ gia đình thượng lưu sẽ cao hơn. Trung bình, khả năng được nhận vào một trường Ivy Plus của con cái các cựu sinh viên cao gấp 4 lần so với những học sinh bình thường.

Trong trường hợp các học sinh có cùng điểm thi, học sinh của tầng lớp trung lưu sẽ có tỉ lệ đậu thấp hơn các học sinh thuộc tầng lớp thượng lưu và một số ít những học sinh nghèo.

Rìa khuôn viên chính của trường ĐH Brown, bang Rhode Island (Mỹ). Ảnh: CNN

Tiêu chí thứ hai là yếu tố thể thao. Những học sinh là con của các vận động viên cũng có tỉ lệ trúng tuyển cao hơn. Nguyên nhân là do trẻ em các gia đình giàu có ở Mỹ sẽ chơi thể thao nhiều hơn, đặc biệt là môn tiêu khiển của giới thượng lưu như chèo thuyền và đấu kiếm. Còn các vận động viên, tỉ lệ đậu các trường ĐH danh tiếng gấp 4 lần so với những người không phải là vận động viên có cùng trình độ.

Tiêu chí thứ ba là yếu tố phi học thuật. Các trường ĐH danh giá đánh giá cao các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện và đặc điểm tính cách của các học sinh khi xem xét những hồ sơ ứng tuyển.

Theo ước tính, cơ hội học lên sau ĐH ở các trường danh giá của các cựu sinh viên trong hệ thống Ivy League tăng gấp đôi bình thường. Trong khi đó, cơ hội làm việc tại các công ty uy tín, các tổ chức tin tức quốc gia, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu tăng gấp 3 lần bình thường.

Về thu nhập, khả năng kiếm tiền của các sinh viên ở những trường ĐH danh tiếng phần lớn dựa vào cơ hội tiếp xúc giới tinh hoa hơn là năng lực cá nhân.

Nước Mỹ mong muốn giới tinh hoa tương lai ưu tú hơn

Những sinh viên được xét tuyển theo các tiêu chí trên có tỉ lệ thành công nghề nghiệp cao hơn các sinh viên tầng lớp thượng lưu có trình độ tương tự nhưng không theo học một trong các trường Ivy Plus.

Theo tờ The Economist, việc xét tuyển dựa trên thành tích học tập mới mang lại một xã hội công bằng và tạo ra một tầng lớp ưu tú hơn. Chính quyền Mỹ cũng đang hành động vì giới thượng lưu tương lai.

Hiện Bộ Giáo dục Mỹ đang điều tra ĐH Harvard về việc ưu tiên các ứng viên có quan hệ với các nhà tài trợ và cựu sinh viên, hãng Reuters đưa tin hôm 26-7.

Ngày 29-6, Tòa án Tối cao Mỹ cũng cấm sử dụng ưu tiên chủng tộc và sắc tộc trong tuyển sinh ĐH, buộc các tổ chức giáo dục ĐH phải tìm kiếm những cách mới để đa dạng số lượng sinh viên, theo hãng tin AP.

Lễ tốt nghiệp tại ĐH Harvard, bang Massachusetts (Mỹ), ngày 24-5-2018. Ảnh: REUTERS

Những nỗ lực trên của Mỹ không chỉ cải thiện sự đa dạng kinh tế xã hội tại các trường ĐH, mà còn cải thiện năng lực trí tuệ của giới tinh hoa tương lai.

Theo The New York Times, hệ thống trường Ivy League gần đây cũng có những nỗ lực để tuyển thêm các sinh viên xuất thân các gia đình có thu nhập thấp hơn bằng cách trợ cấp hoặc miễn hoàn toàn học phí. Các trường ĐH Stanford và ĐH Princeton hiện miễn học phí hoàn toàn cho học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp hơn 100.000 USD/năm. Tại ĐH Harvard và ĐH Brown, học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp hơn lần lượt 85.000 USD/năm và 60.000 USD/năm cũng được miễn học phí.

Giám đốc tuyển sinh của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - ông Stuart Schmill cho biết rằng trường không ưu tiên tuyển các học sinh thuộc tầng lớp thượng lưu mà dựa trên một quy trình tuyển sinh riêng biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới