Ngày 11-10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Phòng trưng bày có trên 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực hóa - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, giày dép, trang sức, phụ tùng ô tô, xe máy, nông sản..., sẽ mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 11 đến 17-10.
Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Tổng cục nhằm giúp người tiêu dùng nắm được các thông tin cơ bản về các sản phẩm, nhãn hiệu đăng ký bảo hộ; lợi ích của việc nhãn hiệu được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Nhiều phụ tùng xe máy bị làm giả
Tại phòng trưng bày lần này có hàng trăm sản phẩm có nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam nhưng đã bị làm giả, làm nhái một cách tinh vi, khiến người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Đơn cử như với các sản phẩm phụ tùng xe máy của Honda Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái rất nhiều. Ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi sở hữu trí tuệ của Honda Việt Nam, cho biết đã phải nhờ lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo này. Nhưng dù đã vào cuộc quyết liệt, mỗi năm, Honda Việt Nam phối hợp với Quản lý thị trường vẫn phát hiện từ 200-300 vụ với số lượng khoảng 100 ngàn phụ tùng giả.
“Những mặt hàng giả này thường được các đối tượng trà trộn vào các cửa hàng, tiệm sửa xe máy. Người tiêu dùng có thói quen đưa phương tiện đến chỗ sửa xe, và thợ chủ động thay, người tiêu dùng rất khó phát hiện” - Ông Định nói.
Chia sẻ về cách phân biệt sản phẩm dầu nhớt của Honda với dầu nhớt giả mạo Honda, đại diện Honda Việt Nam cho biết, sản phẩm dầu nhớt chuẩn của Honda là chai dầu có 18 đinh kết nối giữa phần nắp và thân chai, dầu giả thì không đủ 18 đinh và các đinh phân bổ không đều. Cùng đó, chai dầu giả khi đóng trong thùng do thu gom từ các vỏ khác nhau nên số lô sẽ không trùng với số lô sản xuất trên vỏ nắp chai.
Việc dùng phải hàng giả, hàng nhái với chất lượng không đảm bảo gây nguy hiểm rất lớn cho người sử dụng. Như với sản phẩm má phanh, khi đối tượng đưa vào hàng giả, sử dụng cao su ốp vào các phanh đã qua sử dụng thì tính năng đảm bảo an toàn của phanh không còn nữa.
“Nếu đồng bào miền núi thường xuyên đi trên các cung đường núi dốc mà sử dụng phải các phanh giả này thì rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn, nguy hiểm cho tính mạng người dân” - Ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi sở hữu trí tuệ của Honda Việt Nam, lo ngại.
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, 8 tháng năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 52.613 vụ, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số vụ vi phạm phát hiện và xử lý tăng 36%, số vụ có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra tăng đến 70% với 139 vụ. Trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỉ đồng. Đặc biệt, số vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỉ lệ lớn nhất.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết trên thị trường, người tiêu dùng hay chính các doanh nghiệp không ít lần bắt gặp các sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu bị làm giả, làm nhái dưới nhiều hình thức. Việc làm giả, làm nhái này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Theo ông Lê, hiện nay, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu tại cục Sở hữu trí tuệ và thông báo các cơ quan chức năng để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đấu tranh chống lại hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, thị trường tăng tính minh bạch.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ cũng cho biết, thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường cũng khai trương “Không gian truyền thống Quản lý thị trường” nhân dịp 5 năm thành lập Tổng cục QLTT (12/10/2018 - 12/10/2023). Tại “Không gian truyền thống” trưng bày các hiện vật gắn liền với sự phát triển và đổi thay của lực lượng Quản lý thị trường từ khi hoạt động theo mô hình ngành dọc.