Tại Mỹ ngày 4-5 (giờ Mỹ) sẽ diễn ra cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Cuộc họp này đã được lên kế hoạch một tháng trước và diễn ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp ở Manila (Philippines) và ra tuyên bố chỉ trích sự khiêu khích của Triều Tiên. Một ngày sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Tillerson, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ gặp tướng H.R. McMaster - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Theo Strait Times, vận động ASEAN cắt quan hệ và ủng hộ trừng phạt Triều Tiên sẽ là một nội dung chính trong lịch trình cuộc họp. Ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chính phủ Trump.
“Mỹ muốn tất cả thành viên cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của LHQ với Triều Tiên, chấm dứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, có các bước đi cô lập tài chính Triều Tiên” - một người phát ngôn văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Strait Times. Yêu cầu này trước đó đã được Ngoại trưởng Tillerson đưa ra trong cuộc họp bàn cách đối phó với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày 29-4.
Các quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ cũng đề nghị các nước tăng cường cô lập tài chính Triều Tiên, tuyên bố Mỹ không ngần ngại trừng phạt thứ phát công ty và cá nhân các nước làm ăn với Triều Tiên.
Phát biểu trước toàn thể nhân viên Bộ Ngoại giao ngày 3-5, Ngoại trưởng Tillerson đã khẳng định “Mỹ có rất nhiều việc phải làm với các nước ASEAN”, rằng Mỹ sẽ “tái củng cố cương vị lãnh đạo của mình với ASEAN trong nhiều vấn đề an ninh”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trước nhân viên Bộ Ngoại giao ngày 3-5. Ảnh: NEW YORK TIMES
Strait Times dẫn nhận định nhiều nhà phân tích rằng Mỹ đã nhận ra cần phải nhờ tới ASEAN trong giải quyết các vấn đề Đông Bắc Á.
“Tháng trước, chúng tôi nhìn thấy có dấu hiệu chính phủ Trump chuyển trọng tâm về châu Á, đây là điều tích cực” - ông Ernie Bower, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Bower Group Asia, nói với Strait Times.
“Thật sự có nhu cầu tái gắn kết các nước Đông Nam Á với vấn đề Triều Tiên theo một cách tích cực. Chắc chắn có cách có điều này. Singapore và Malaysia có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, các tổ chức tư nhân có quan hệ kinh doanh với các tổ chức của Triều Tiên. Các nước ASEAN càng gắn kết trong thi hành trừng phạt, Mỹ càng có vị thế tốt trong thương lượng với Triều Tiên” -theo GS Lee Sung-yoon tại Trường luật và ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts (Mỹ).
Ngoài vấn đề Triều Tiên, theo Strait Times, tranh chấp biển Đông cũng sẽ được đề cập trong cuộc họp.
“Khu vực rất muốn biết quan điểm của Mỹ trong vấn đề biển Đông, cũng như hướng tiếp cận Trung Quốc của Mỹ” - TS Amy Searight, cựu quan chức quốc phòng hàng đầu Mỹ phụ trách khu vực, nói với Washington Post.
Tuần trước, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Nam Á Patrick Murphy cho biết Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông. Các chiến dịch này vốn được thực hiện định kỳ thời chính phủ Barack Obama, tuy nhiên chưa được khôi phục kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ.
Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp ở Manila (Philippines) ngày 28-4. Ảnh: AP
Năm nay là kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Mỹ. Các quan hệ chiến lược, thương mại, đầu tư đều đang phát triển tốt. Theo trang web của Nhà Trắng, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ.
Mỹ khả năng sẽ tăng cam kết với ASEAN theo khuôn khổ Đối tác Chiến lược ASEAN-Mỹ. Trong đó có tăng hòa nhập kinh tế, hợp tác hàng hải, hợp tác giải quyết các thách thức an ninh xuyên quốc gia, huấn luyện và công nghệ, chuẩn bị cho các hội nghị Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN tại Manila (Philippines) vào tháng 8 tới.
Theo nhiều chuyên gia, để duy trì và phát triển sự gắn kết của ASEAN, Mỹ cần có sự ổn định và kỷ luật trong chính sách và cam kết với châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Nếu không “các thành viên ASEAN sẽ có ít lựa chọn và phải chọn sự bảo đảm cho mình, hạ thấp liên minh với Mỹ, hướng về Trung Quốc hơn”, theo chuyên gia John Ciorciari, Giám đốc Trung tâm Chính sách Quốc tế ĐH Michigan (Mỹ).