Hôm qua (15-12), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất đồng bạc xanh thêm 0,25%, lên mức 0,75%. Đây là lần thứ hai sau một thập niên cơ quan này tăng lãi suất đồng USD.
Đáng chú ý hơn là trong bài phát biểu của mình sau khi tăng lãi suất, Chủ tịch FED Janet Yellen còn phát đi thông điệp có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
USD cao nhất trong 14 năm
Phản ứng với thông điệp trên, giá USD tăng lên mức cao nhất 14 năm qua. Tỉ giá giữa tiền đồng Việt Nam và USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại hôm qua cũng tăng 20-30 đồng mỗi đôla. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng công bố tỉ giá trung tâm là 22.135 đồng, tăng 11 đồng so với trước đó một ngày.
USD tăng mạnh so với rổ tiền tệ chủ chốt đã đẩy giá vàng lao dốc xuống mức thấp nhất chưa từng có trong gần 11 tháng qua, từ mức 1.160 USD/ounce xuống 1.140 USD/ounce. Như vậy, so với giá chốt phiên trước đó, giá vàng thế giới đã giảm đến 20 USD/ounce, tương đương khoảng 550.000 đồng/lượng. Nếu quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 31,27 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định: “Giá vàng thế giới hiện đã ở mức đáy của năm 2016. Việc FED tăng lãi suất là nguyên nhân làm cho giá vàng lao dốc”.
Trong khi giá vàng thế giới liên tiếp giảm sâu thì vàng trong nước giảm chậm hơn. Mức giảm không tương xứng khiến giá vàng nội hiện cao hơn giá vàng ngoại lên tới 5,2 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch cao kỷ lục trong nhiều tháng trở lại đây.
Hiện giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 35,80-36,40 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên một ngày trước đó. Đáng lưu ý, để đẩy rủi ro về phía người mua, các tiệm vàng đã nâng khoảng cách giữa giá mua vào-bán ra lên mức 600.000 đồng/lượng. Do đó người dân nên cân nhắc vì mua vàng vào thời điểm này rủi ro rất lớn.
USD tăng mạnh đã đẩy giá vàng lao dốc. Trong ảnh: Người dân mua bán vàng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
USD sẽ còn tăng nữa?
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng việc FED nâng lãi suất USD đã nằm trong dự đoán của nhiều người nên thực chất thông tin này không khiến giới đầu tư cảm thấy bất ngờ. Song đáng quan tâm là việc Chủ tịch FED Janet Yellen tuyên bố trong ba năm tới có thể sẽ có tới tám lần tăng lãi suất. Cụ thể, trong năm 2017 sẽ tăng ba lần, 2018 hai lần và 2019 tăng ba lần nữa. Chính kỳ vọng này mới là nguyên nhân đẩy tỉ giá đồng USD tăng mạnh.
“Điều đó cho thấy sự quyết liệt của FED về việc tăng lãi suất trong thời gian sắp tới với tốc độ tăng nhanh hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư. Và điều này đã khiến thị trường có phần lo lắng” - ông Lâm nhận định.
Tuy vậy, ông Lâm cho rằng dù sao FED cũng mới chỉ đưa ra tuyên bố mang tính dự đoán. Bởi FED cũng từng tuyên bố sẽ có khoảng 3-4 lần tăng lãi suất trong năm 2016 nhưng thực chất cơ quan này đã trì hoãn liên tục và chỉ tăng một lần duy nhất.
“Do vậy thông điệp của FED đưa ra cũng chỉ là thông tin mang tính tham khảo và khiến nhà đầu tư lo lắng trong nhất thời. Thông tin này có thể ảnh hưởng tiêu cực nhưng không kéo dài quá lâu” - ông Lâm dự báo.
Cần uyển chuyển, mềm dẻo
Nhiều ý kiến nhận định việc FED tăng lãi suất không chỉ tác động ngay đến USD, vàng, chứng khoán… mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, hơn 20% xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Mỹ. Do đó không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại USD sẽ tạo áp lực cho chi phí đi vay và khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, khó cạnh tranh hơn.
Để giảm thiểu những rủi ro, ông Trần Thanh Hải đề xuất: “NHNN nên có thông điệp rõ ràng hơn về tỉ giá của tiền đồng so với USD. Ví dụ, tỉ giá sẽ neo ở mức như thế nào, tăng kịch trần là bao nhiêu… Qua đó để doanh nghiệp kinh doanh vàng nói riêng và các công ty xuất nhập khẩu nói chung có thể tính toán được cơ hội làm ăn của mình trong năm 2017”.
Riêng về thị trường vàng, ông Hải cho rằng NHNN cần có biện pháp can thiệp như tung một lượng vàng vừa phải để có thể hạ được độ chênh lệch giữa thị trường trong nước và quốc tế. Đó là việc làm trong ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét việc thành lập một sàn vàng quốc gia trên tinh thần kế thừa từ Nghị định 24/2012 của Chính phủ. Để từ đó có thể giải quyết tận gốc bài toán kinh tế trong vấn đề biến động của tỉ giá cũng như chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với thế giới.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, khi trao đổi với báo chí cũng nhận xét Mỹ tăng lãi suất thì đồng USD sẽ có khuynh hướng được ưa chuộng hơn, vì thế giá trị của nó sẽ tăng so với các đồng tiền khác. Trong đó đồng tiền Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Do đó, TS Thành khuyến nghị các cơ quan điều hành nên hành động một cách mềm mại và khéo léo để chia nhỏ tác động mà thị trường có thể phải tiếp nhận.
Nên đầu tư vào đâu? Ông Nguyễn Thanh Lâm phân tích hiện nay giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới quá lớn, mua vào lúc này không có lợi, rủi ro cao. Do đó người dân có thể dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào các kênh khác. Ví dụ trong năm 2016, kênh đầu tư chứng khoán đạt lợi nhuận tốt nhất, khoảng 15%; còn gửi tiền tiết kiệm lợi nhuận khoảng 6%-7%, vàng khoảng 6%-7%. Ai nắm giữ USD được xem là đầu tư thất bại nặng nề nhất khi lợi nhuận chỉ đạt 1%-2%. “Bất động sản cũng là kênh đáng quan tâm trong năm tới. Nhưng trong năm 2016, nhà đầu tư chứng kiến sự sụt giảm của phân khúc căn hộ cao cấp. Năm tới, dự báo dòng tiền sẽ quay sang đất nền nhiều hơn là việc đầu tư vào căn hộ” - ông Lâm cho hay. Chứng khoán mất điểm Ngay sau khi tiếp nhận thông tin FED tăng lãi suất USD, nhiều thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại lãi suất cao ở Mỹ sẽ hút thêm vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán nước ta phản ứng khá dè dặt, chỉ số giao dịch tăng-giảm không đáng kể, quanh mức tham chiếu. Các nhà đầu tư tham gia với tâm lý thận trọng và không quá “manh động” ở cả chiều mua và chiều bán. |