Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh:

Năm 2021, TP Đà Nẵng sẽ lấy lại đà tăng trưởng

Tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP, nhiệm kỳ 2016-2021, lãnh đạo Đà Nẵng đã thẳng thắn nhìn nhận một số chỉ tiêu về kinh tế mà TP chưa đạt được. Trong đó, năm 2020, lần đầu tiên TP Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%. Bài toán lấy lại đà tăng trưởng của TP Đà Nẵng những năm tới đang là trọng trách nặng nề đối với lãnh đạo TP.

Tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: TẤN VIỆT

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (ảnh), về định hướng phát triển trong thời gian tới để Đà Nẵng lấy lại đà tăng trưởng và phát triển.

Một năm khó khăn vì COVID-19

. Phóng viên: Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng của TP bị âm trong năm 2020, giải pháp thời gian tới của TP là gì?

+ Ông Lê Trung Chinh: Sự tăng trưởng âm của TP trong năm qua là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Vì nền kinh tế của TP gần 60% dựa vào dịch vụ và du lịch nên việc này cũng đúng với những gì mà các chuyên gia kinh tế đã dự báo.

Thời gian tới, ưu tiên số một là phải khống chế được dịch. Dịch bây giờ là ở nước ngoài về, chứ trong nước chúng ta không có. Trong đó phải giám sát chặt chẽ những người nhập cảnh. Khi họ về đây rồi thì giám sát chặt quá trình cách ly.

Ưu tiên số hai là phải tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và có chính sách hỗ trợ để DN phát triển. Bởi DN phát triển thì sẽ giải quyết được việc làm và tạo ra sản phẩm cho xã hội. Mặt khác, khi các DN hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo đà tăng trưởng cho TP.

Ưu tiên số ba của TP là tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm. Các công trình trọng điểm sẽ góp phần tạo đà tăng trưởng và giải quyết việc làm.

Thứ nữa là tập trung vào du lịch nội địa. Hiện tại TP đang dựa vào tới 60% nguồn thu từ du lịch, dịch vụ cho nên TP cần phải kích cầu du lịch, nhất là từ đây đến tết dương lịch và âm lịch, TP sẽ có nhiều hoạt động, các sự kiện để kích cầu.

Tôi nghĩ rằng với tình hình khống chế dịch như hiện nay thì các hoạt động du lịch nội địa khi được kích cầu sẽ thu hút rất nhiều khách và có khởi sắc trong thời gian tới.

Vấn đề quan trọng bây giờ là TP phải làm sao để tăng tỉ lệ tăng trưởng lên, ít nhất là bằng và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 này so với năm 2020 là 6% thì cũng chưa thể bù lại được, vì mức này mới chỉ bằng mức tăng trưởng của năm 2018.

. Liệu TP có cần nhìn nhận lại vấn đề là thời gian qua đã tập trung quá nhiều và phụ thuộc vào du lịch mà bỏ quên một số lĩnh vực khác cũng tạo ra nguồn thu?

+ Từ dịch COVID-19 lần này, chúng ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể của nền kinh tế là đừng quá lệ thuộc vào một ngành nào đó.

TP Đà Nẵng đã xác định du lịch, dịch vụ là mũi nhọn thì chúng ta phải tiếp tục quan tâm, đồng thời TP cũng cần quan tâm tới các lĩnh vực khác như công nghiệp, logistics, nông nghiệp chất lượng cao… để khi nguồn thu bên này hụt thì có bên kia bù vào.

Tất nhiên điều này không thể bù lại hết được, vì đặc điểm của TP Đà Nẵng là phải dựa vào du lịch và dịch vụ là chính.

35%

là số tăng từ nguồn thu từ đất đai, chủ yếu nhờ tháo gỡ các vướng mắc nguồn lực về đất đai chứ không phải là đi bán đất. Có nghĩa là khi tháo gỡ cho DN, nhà đầu tư thì đồng nghĩa với việc TP đã kích hoạt được nguồn thu từ đất đai.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

TP Đà Nẵng vẫn xác định du lịch, dịch vụ là mũi nhọn và tới đây TP sẽ kích cầu du lịch nội địa để vực dậy đà tăng trưởng. Ảnh: LÊ PHI

Sẽ khơi thông nguồn lực đất đai

. Thưa ông, các năm trước Đà Nẵng đã tập trung nguồn thu vào đất đai. Vậy tới đây, TP có tiếp tục khai thác nguồn lực này để tăng nguồn thu không?

+ Chúng ta phải hiểu đất đai ở hai khía cạnh. Một khía cạnh là đất đai cho thuê hay mình bán. Một khía cạnh khác mà TP đang hướng đến là khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai của các nhà đầu tư. Tức là lâu nay đất đai này không phát sinh lợi ích được.

Ví dụ, một nhà đầu tư có một khu đất nhưng không thể triển khai dự án được thì bây giờ chúng ta phải hỗ trợ tháo gỡ để họ triển khai dự án trên khu đất đó. Nghĩa là khai thác nguồn thu từ đất đó, chứ không phải chăm chăm đi bán đất để thu về ngân sách. Chúng ta phải kết hợp cả hai.

Đối với một số mảnh đất mà TP thấy phát sinh kinh tế được thì sẽ cho thuê, khai thác quỹ đất và sử dụng đúng mục đích, đúng theo quy hoạch chung của TP. Vì thế, chúng ta phải tư duy khai thác nguồn lực đất đai theo hai cách đó.

. Có thể nhận thấy rằng TP gặp những khó khăn trong quá trình tháo gỡ vướng mắc về đất đai cho DN. Vậy tới đây TP sẽ có những giải pháp gì?

+ TP đang chỉ đạo các ngành rà soát những vướng mắc để hỗ trợ tháo gỡ. Bây giờ để làm cho đúng lại là điều không phải dễ, vì nó đã sai rồi. Tuy nhiên, chúng ta phải vận dụng hài hòa các lợi ích của Nhà nước, DN và nhân dân.

Những vấn đề gì mà trong thẩm quyền HĐND TP có thể xem xét, giải quyết được thì HĐND sẽ xem xét, quyết định. Còn những gì thuộc thẩm quyền phải xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương thì TP phải tích cực kiến nghị, đề xuất trung ương hỗ trợ.

Tôi nói điều này bởi trong Nghị quyết 119/2020, Quốc hội cũng giao cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn cho TP Đà Nẵng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng TP cần phải làm đồng bộ nhiều nội dung thì mới giải quyết được.

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

. Bây giờ Đà Nẵng đã làm xong quy hoạch chung của TP. Vậy không gian đô thị và những tồn tại trước đây về quy hoạch sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

+ Tới đây TP sẽ còn tiến hành quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, theo quy định thì bây giờ bất kỳ một dự án nào đều buộc phải xin ý kiến về quốc phòng, an ninh. Về độ tĩnh không, vùng biển, sân bay đều phải xin ý kiến quốc phòng. Cho nên có khu vực thiết kế đô thị phải như thế này nhưng cũng có khu vực thiết kế đô thị phải khác. Thiết kế đô thị thì không chỉ đảm bảo về độ tĩnh không mà còn phải đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật.

Ví dụ, chúng ta không thể đưa chung cư lớn vào trung tâm TP vì đưa vào thì hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thoát nước, môi trường… không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, TP cũng sẽ hướng tới một vài điểm nhấn kiến trúc. Có những điểm nhấn cần cao tầng thì phải cho làm cao tầng.

. Trên cương vị là tân chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông có muốn nói điều gì với các nhà đầu tư?

+ Kế thừa những thành quả của thế hệ lãnh đạo đi trước, chúng tôi xác định quan điểm là luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ DN một cách tối đa.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn DN đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng với chính quyền để tháo gỡ các vướng mắc. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa lợi ích nhà nước với nhân dân, DN. Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón các DN đến để đầu tư vào TP.

. Xin cám ơn ông.

Chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 của TP Đà Nẵng là 6%

. Phóng viên: Đảng bộ TP Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021. Vậy theo ông, TP sẽ đối mặt với khó khăn gì khi thực hiện mục tiêu đó?

+ Ông Lê Trung Chinh: Điều hiện nay chúng ta đang phải đối mặt và khó khăn nhất vẫn chính là COVID-19. Đây cũng là thách thức chung của cả thế giới. Nếu khống chế được dịch COVID-19 thì tôi nghĩ chỉ tiêu tăng trưởng 6% của TP chúng tôi sẽ đạt được và có thể đạt trên mức ấy.

Bên cạnh đó, các dự án chiến lược, tạo động lực cũng sẽ được TP tiếp tục đầu tư triển khai. Một số dự án lớn khác sẽ chờ Quốc hội thông qua nguồn ngân sách cho đầu tư trung hạn 2021-2025, khi đó TP sẽ có cơ sở để tiếp tục triển khai. Danh mục các dự án đã được TP chuẩn bị rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm