Đó là bất cập của việc chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị vĩnh viễn hiện nay, được một số đại diện Sở Y tế các tỉnh phía Nam nêu ra tại hội nghị tổng kết chín năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM vào sáng 29-7.
Cho thuê bằng cấp
Trình bày về bất cập của việc này, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn nên khó quản lý năng lực hành nghề và việc cho thuê bằng cấp đứng tên cơ sở khám chữa bệnh của người được cấp. Qua rà soát thực tế, có nhiều trường hợp đã ra nước ngoài sinh sống nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn cho thuê đăng ký hoạt động ở trong nước hoặc nhiều người tuổi cao, không đủ năng lực khám chữa bệnh nhưng chứng chỉ vẫn hoạt động bình thường. Do đó, vị này đề xuất nên quy định thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề và góp ý có thể quy định cấp ba năm một lần đối với điều dưỡng, kỹ thuật viên và năm năm một lần với bác sĩ.
Đồng tình, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, góp ý ngoài quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề, nên quy định độ tuổi nhất định được cấp chứng chỉ này. “Nhiều người đang nằm liệt giường vẫn tiếp tục hành nghề nhưng đó là hành nghề trên giấy vì chỉ cho mượn chứng chỉ để đứng tên cơ sở kinh doanh nhưng việc thu hồi chứng chỉ này thì không dễ dàng vì liên quan nhiều yếu tố” - ông Hùng dẫn chứng.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề là không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế. “Đến nay có lẽ chỉ còn Việt Nam và một số rất ít quốc gia trên thế giới cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn. Việc cấp một lần và vĩnh viễn như vậy sẽ khiến những người hành nghề không có ý thức nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cũng như cơ chế giám sát sự cố y khoa hoặc vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Các quốc gia khi quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn bao giờ cũng soi vào các tiêu chí đó. Việt Nam hiện cấp chứng chỉ hành nghề trên giấy chứ không phải thi nên chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam không có giá trị khi ra nước ngoài” - ông Quang cho biết.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, góp ý tại hội nghị tổng kết chín năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: HL
Cứu người hay chăm chăm quy trình?
Cũng tại hội thảo, một số đại biểu đánh giá việc Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị tất cả bệnh đã hỗ trợ về mặt chuyên môn rất lớn cho các bệnh viện. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng việc này vô hình trung gây áp lực, thậm chí khiến bác sĩ sợ trách nhiệm khi lao vào cấp cứu bệnh nhân mà không tuân theo hướng dẫn, quy trình.
“Bộ Y tế là một cơ quan quản lý hành chính nhà nước có nên ban hành các hướng dẫn chẩn đoán điều trị cứng nhắc, vô tình sẽ làm khó cho anh em (nhân viên y tế - PV). Nên chăng việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán là của các hội y học, các trường đại học, các chuyên gia đầu ngành sẽ hợp lý hơn. Mặc dầu trong giai đoạn này việc ban hành hướng dẫn khá ổn nhưng trong tương lai cần có hướng “mở” hơn” - ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, góp ý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nhìn nhận việc ban hành tất cả quy trình điều trị có thể làm xơ cứng hóa, giảm sáng tạo, tình yêu người bệnh của nhân viên y tế. Ở các nước tiên tiến như Thụy Sĩ, Đức đã vấp phải sự phản đối khi áp dụng cứng nhắc quy trình.
Ông Quang dẫn chứng câu chuyện bác sĩ ở Quảng Trị đã truyền 15 lon bia vào người đàn ông ngộ độc rượu không hề có trong hướng dẫn điều trị là một hành động dũng cảm với mục đích cứu người. “Nếu trong trường hợp này, bác sĩ làm theo quy trình thì bệnh nhân có khi đã chết rồi. Vụ này bác sĩ được bằng khen nhưng chẳng may làm theo kiểu “sáng tạo” (dùng ethanol trong bia là thực phẩm, không phải là dược phẩm chữa bệnh đối kháng với methanol) mà bệnh nhân chết thì có khi bác sĩ đã bị khởi tố, tạm giam” - ông Quang nói.
Vì vậy, ông Quang cho rằng luật sửa đổi cần có cơ chế pháp lý bảo vệ bác sĩ, cân nhắc các trường hợp bác sĩ áp dụng những biện pháp “còn nước còn tát” để cứu người.
Bác sĩ nước ngoài phải thi và không dùng phiên dịch Tại hội thảo, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề xuất người nước ngoài muốn khám chữa bệnh tại Việt Nam phải trải qua kỳ thi quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề và có thời hạn. Việc này cũng đang được áp dụng tại các nước lân cận như Thái Lan, Lào. “Giờ Sở có tăng cường thanh tra, xử lý cỡ nào thì đóng cửa chỗ này họ cũng thành lập được chỗ khác” - ông Thượng nêu thực tế. Cũng tại hội thảo, một đại diện khác của Sở Y tế TP.HCM báo cáo thời gian vừa qua qua thanh tra, kiểm tra, TP phát hiện nhiều vụ việc người nước ngoài khám chữa bệnh thông qua phiên dịch không đảm bảo việc truyền đạt giao tiếp được chính xác, ảnh hưởng an toàn người bệnh, trong đó có một số phòng khám bác sĩ Trung Quốc và Hàn Quốc. Vị này đề xuất bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo và chịu trách nhiệm với chỉ định chuyên môn, không phải thông qua bước phiên dịch. |