Theo đó, bổ sung quy định cần phải có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Theo luật hiện hành, sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo sáu năm người có bằng bác sĩ phải thực hành 18 tháng tại bệnh viện thì mới đủ điều kiện đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần, tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện cán bộ y tế có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong hai năm liên tiếp nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Nếu không, người có chứng chỉ sẽ không được phép tiếp tục hành nghề.
Bộ Y tế đang đề xuất sửa Luật Khám chữa bệnh theo đó bác sĩ sẽ phải thi chứng chỉ hành nghề theo như thông lệ quốc tế. Ảnh: HUY HÀ
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, hiện nay Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, theo xu hướng hội nhập quốc tế thì Việt Nam cần phải có các hoạt động, nội dung theo thông lệ quốc tế. Luật Khám, chữa bệnh có quy định về cấp chứng chỉ hành nghề. Để thỏa thuận khung trong ASEAN có tính khả thi, Bộ Y tế đã xây dựng chuẩn năng lực cơ bản, là cơ sở để các cơ sở đào tạo xác định chuẩn đầu ra của mình.
“Chúng tôi đang rà soát để đề nghị chỉnh sửa, bổ sung quy định này trong thời gian tới như thông lệ quốc tế đã làm, theo hướng cần phải có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định (thông thường là năm năm)” - ông Lợi nói.
Ông Lợi cũng cho biết thêm, kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức theo các khu vực. Bộ Y tế sẽ chủ trì kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia.
Được biết Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cũng đã có Thông tư liên tịch số 26/2015 ban hành tiêu chuẩn chức danh hạng viên chức y tế đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Theo thông tư này, từ 1-1-2021, để trở thành viên chức điều dưỡng, hộ sinh hay kỹ thuật viên, người dự tuyển phải có trình độ tối thiểu là cao đẳng.