Năng lực xúc cảm của giáo viên ở mức nào?

Trước hết là những đòi hỏi về kiến thức. Người làm nghề giáo viên chắc chắn phải có kiến thức vững vàng trong môn mà mình giảng dạy, chẳng những phải có kiến thức nền vững chắc mà người làm nghề giáo còn phải thường xuyên cập nhật những tri thức mới trong lĩnh vực mà mình giảng dạy, nếu không sẽ bị đánh giá là tụt hậu, lỗi thời.

Bên cạnh kiến thức vững và mang tính cập nhật, người làm nghề giáo còn phải có tri thức, kỹ năng về sư phạm để có thể truyền đạt một cách hữu hiệu nhất tri thức đến với học sinh (HS). Kỹ năng sư phạm còn là một cách để tạo sự hứng thú nơi người học, khơi gợi được sự ham học, niềm vui trong học tập cho người học.

Song song tri thức và nghiệp vụ sư phạm, nghề giáo còn đòi hỏi người giáo viên phải trang bị cho mình kỹ năng quản lý lớp học và kỹ năng điều tiết các mối quan hệ với lãnh đạo, với cấp trên, với đồng nghiệp, với HS và với phụ huynh của HS nữa. Do đó, nghề giáo còn được xem như là một nghề mang tính xã hội và xúc cảm (social and emotional profession) thuộc vào loại cao nhất trong số các ngành nghề trong xã hội.

Một giáo viên có thể có kiến thức chuyên môn tốt nhưng nếu họ có cảm xúc tiêu cực về nghề nghiệp, cảm xúc tiêu cực về HS hay nói chung là cảm xúc tiêu cực về cuộc sống và nghề nghiệp thì sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt đối với HS cũng như bản thân các giáo viên.

Năng lực xúc cảm hay “trí tuệ xúc cảm” (emotional intelligence) là một trong những yếu tố quan trọng cần có nơi người làm nghề giáo, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Quả vậy, so với vài chục năm trước, nghề giáo hiện nay phải đối diện với nhiều sự căng thẳng hơn hẳn. Cụ thể là hiếm có ngành nghề nào bị xã hội theo dõi sát sao như nghề giáo, HS thời nay tiếp cận nhiều nguồn tri thức và đa dạng về tiếp xúc xã hội, phụ huynh cũng ngày càng “đứng về phía con cái mình” nhiều hơn do có ít con… Dù đối diện với nhiều khó khăn như vậy nhưng nghề giáo lại không nhận được sự đối đãi tương xứng nên càng khiến những người làm nghề chịu nhiều xúc cảm tiêu cực hơn về nghề.

Có lẽ những hành vi không phù hợp của một số giáo viên trong thời gian vừa qua có nguyên nhân từ tình trạng căng thẳng hay sự hiện diện của xúc cảm tiêu cực quá nhiều nơi người giáo viên. Do đó tôi cho rằng lãnh đạo ngành giáo dục nói riêng và Chính phủ nói chung cần phải có các chính sách nhằm duy trì phát triển năng lực xúc cảm cho người làm nghề giáo, bởi đây là một trong những yếu tố then chốt để tạo nên sự thành công, hiệu quả cho những người làm nghề giáo trong xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới