Náo nức ngày Độc lập muôn nơi

Ngày 2-9-1945 từ trong ký ức - Kỳ 3:

Náo nức ngày Độc lập muôn nơi

(PLO)-  Ngày 2-9-1945 thực sự là ngày hội của non sông. Toàn thể dân tộc Việt Nam từ phận nô lệ, đã bước lên làm chủ vận mệnh đất nước. Ngày Quốc khánh đầu tiên ấy, hơn 20 triệu trái tim cùng nhịp đập trẩy hội non sông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo Dân thanh số 2, ngày 5-9-1945 đưa tin “Ngày Độc lập tại các tỉnh”, tường thuật không khí đón ngày lịch sử của dân tộc tại các tỉnh, thành trong cả nước. Báo này cho biết, khắp các tỉnh thành ba miền tổ chức ngày Độc lập rất trọng thể.

Tinh thần chung được ghi nhận là “Dân chúng hưởng ứng rất đông. Ai nấy đều nhiệt liệt hoan hô Chính phủ Lâm thời Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Đông… tuy tổ chức gấp rút mà “Ngày Độc lập” cũng được kết quả tốt đẹp”.

Trong hồi ký Bước qua đầu thù, nhà cách mạng Trần Hữu Dực còn nhớ trong ngày 2-9-1945, các đại biểu của 18 tỉnh họp hội nghị về chính quyền, bầu Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Bộ do Trần Hữu Dực làm Chủ tịch. Hội nghị tổ chức tại tòa Khâm sứ Trung Kỳ cũ ở Huế. “Cuộc họp này tôi đến trễ một lúc, vì phải về thị xã Quảng Trị dự lễ mừng độc lập 2-9-1945”, ông Trần Hữu Dực ghi lại trong hồi ký.

Nhà cách mạng Hà Huy Giáp trong thời khắc lịch sử ngày Độc lập đầu tiên của dân tộc lúc đó lại đang ở Nha Trang. Dẫu không được nghe cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng cảm nhận rất rõ không khí của ngày Quốc khánh được ông ghi lại nơi hồi ký Đời tôi những điều nghe, thấy và sống: “Cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay như giục chúng tôi hãy bay về cho nhanh. Lần đầu tiên tôi mới thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới bay ở khắp các nhà và ở trên các cây cao, bên cạnh cờ đỏ búa liềm”.

Khắp cả nước từ Bắc tới Nam, đâu đâu cũng nô nức, phấn khởi tổ chức ngày Độc lập, ngày vui của toàn dân tộc. Ngày mà cả nước Việt Nam tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Theo ghi nhận của báo Dân thanh số 1, ngày 4-9-1945: “Tại kinh thành Thăng Long cũng như ở các tỉnh khắp Trung-Nam-Bắc, nhân dân nhất tề tổ chức “Ngày Độc lập” hăng hái cùng hô to đem thân ra giữ gìn đất nước - dù có phải giữ bằng xương, máu”.

Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trước đông đảo quốc dân Việt Nam. Người gây ấn tượng mạnh không chỉ ở trang phục giản dị, mà còn ở phong thái nhanh nhẹn, điềm tĩnh, được hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi: “Ông Cụ có dáng đi nhanh nhẹn. Dáng đi này cũng làm cho đôi người lúc đó hơi ngạc nhiên. Họ đã không nhìn thấy ở vị Chủ tịch dáng đi trang trọng của những người “sang”. Giọng nói của ông Cụ phảng phất giọng nói của một miền đất quê đất Nghệ An”. Chất giọng ấy, đã vang lên trên sóng phát thanh truyền đến đồng bào bản Tuyên ngôn độc lập thiêng liêng.

Không chỉ vậy, Người còn gần gũi hơn bao giờ hết với toàn thể đồng bào ngay trong lễ Độc lập tại Hà Nội. Vẫn theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi: Tôi nói, đồng bào nghe rõ không? Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm: Co.o.ó! Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một”.

Ghi chép trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được báo chí thời ấy thể hiện rõ. Báo Dân thanh số 1 khi tường thuật lễ Độc lập tại Hà Nội, có chú ý chi tiết này, trong đó có đoạn: “Với một giọng nhẹ nhàng và trậm [chậm] rãi, Hồ Chủ tịch tỏ lời chào quốc dân đồng bào rồi tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hòa (Trong khi nói, thỉnh thoảng Hồ Chủ tịch có hỏi lại xem công chúng có nghe được rõ không rồi mới nói tiếp)”.

Cũng tại Hà Nội, sự kiện trọng đại nơi vườn hoa Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam mới, được tổ chức giản dị, nhưng thực sự trang nghiêm. Ngày nay dù có những phim ảnh tư liệu lưu giữ sự kiện ấy, nhưng phần nhiều là phim ảnh đen trắng. Bởi thế, miêu tả dưới đây của báo Dân thanh số 1, ngày 4-9-1945 về quang cảnh lễ đài, thực sự là một tư liệu đáng quý:

“Kỳ đài thiết lập ở giữa vườn hoa, làm bằng gỗ, ngoài bọc vải trắng và đỏ, mặt trước kết hình lá cờ đỏ sao vàng, hai bên có đặt lư trầm, mặt sau là bậc thang lên xuống. Giữa kỳ đài dựng một cái cột cao để kéo lá quốc kỳ to, chung quanh là mấy hàng ghế ngồi của các nhà đương chức. Trên kỳ đài, cạnh chỗ để máy truyền thanh, có bày thanh kiếm to, chuôi ngọc vỏ vàng, cùng với ấn vàng hình vuông, là những bảo vật mà vua Bảo Đại vừa trao lại cho đại biểu của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ”.

Trên khắp các mặt báo quốc ngữ lúc bấy giờ, phần đa là tin tức liên quan đến ngày 2-9-1945, nhất loạt thể hiện tinh thần tự hào với ngày Quốc khánh của dân tộc, ủng hộ Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như kiên quyết bảo vệ nền độc lập mới giành được. Ghi nhận điểm này là Cứu quốc số 36 (5-9-1945); Cờ giải phóng số 16 (12-9-1945); Nước Nam số 282 (8-9-1945).

Vinh quang ngày Độc lập tại Sài Gòn

Vinh quang ngày Độc lập tại Sài GònLongform

(PLO)-  Ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn, cũng là ngày Chủ nhật, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức ngày Độc lập tại đường Cộng Hòa (đường Norodom cũ, nay là đường Lê Duẩn).