Cảm xúc người kéo cờ ngày Độc lập tại Ba Đình

2-9-1945 từ trong ký ức - Kỳ 1:

Cảm xúc người kéo cờ ngày Độc lập tại Ba Đình

(PLO)-  Những phút giây diễn ra nơi Ba Đình lộng gió và ấm nắng mùa thu ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử, trở thành thời khắc thiêng liêng rất đỗi tự hào của toàn thể hơn 20 triệu người dân Việt khi nước Việt Nam mới ra đời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tâm ngày lễ Độc lập của nước Việt Nam mới, cả nước hướng về vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày ấy, bà Đàm Thị Loan, nữ chiến sĩ dân tộc Tày tuổi 19 vinh dự là một trong hai người kéo cờ đỏ sao vàng tại vườn hoa Ba Đình. Dòng hồi tưởng về ngày ấy, được bà Loan ghi lại trong hồi ký Từ Việt Bắc đến Tây Ninh.

Tối 1-9, Loan nhận được điện của đồng chí Quang Trung, lãnh đạo Đội Tuyên truyền "Nước Nam mới", thông báo cho biết cô được lựa chọn đại diện đội tham gia lễ kéo cờ cùng một nữ sinh thành phố. Bất ngờ và tự hào, cả đêm hôm đó, cô gái trẻ hồi hộp không ngủ chờ giờ phút trọng đại của dân tộc và cả của chính bản thân cô.

14h ngày 2-9, chiến sĩ Đàm Thị Loan trong trang phục giản dị của Quân Giải phóng, đầu đội mũ calô đính quân hiệu sao vàng và nữ sinh Lê Thi (con gái của nhà giáo Dương Quảng Hàm – NV) trong bộ áo dài thướt tha túc trực dưới chân cột cờ trước lễ đài tổ chức lễ Độc lập tại Ba Đình. Như một thước phim quay chậm, diễn biến lễ Độc lập được Từ Việt Bắc đến Tây Ninh ghi lại.

Khi hai thiếu nữ đứng dưới chân cột cờ, bỗng tiếng hoan hô như sấm dậy bên tai. Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn Chính phủ lâm thời và Tổng bộ Việt Minh bước tới. Đến chân cột cờ, Người nhận ra nữ chiến sĩ dân tộc Tày, dừng lại hỏi han: “Cô Loan Giải phóng quân phải không?”. Xúc động khi được vị lãnh tụ nhớ đến mình dù mới chỉ gặp hai lần, Loan líu ríu đáp: “Vâng ạ! Thưa Bác cháu là Loan đây ạ!”.

Rồi giây phút thiêng liêng thực hiện nhiệm vụ cũng tới, bà Loan hồi tưởng: “Hai chúng tôi nắm chắc dây, từ từ kéo, nhịp nhàng với bài nhạc Tiến quân ca hùng tráng. Lá cờ càng lên cao càng phất mạnh. Buộc dây xong chúng tôi im lặng, mặt hướng lên lễ đài”. Thực hiện xong phần việc của mình, hòa vào không khí chung, Loan hướng về lễ đài.

Trên lễ đài, giọng Hồ Chủ tịch vang lên đầm ấm, “Lời Tuyên ngôn độc lập đanh thép hùng hồn. Lá cờ càng phất mạnh. Và khi hàng vạn đồng bào có mặt hôm ấy đồng thanh vang lên tiếng “Xin thề” thì tận đáy lòng, tôi cảm nhận được một cách rõ ràng: Thế nào là sức mạnh của quần chúng khi được giác ngộ, thế nào là sức mạnh của Cách mạng!”.

Sau này, cô gái họ Đàm trở thành phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Là trung tâm của ngày lễ Độc lập cả nước, lễ Độc lập tổ chức tại Hà Nội được báo chí thời đó đưa tin, tường thuật chi tiết.

Điểm qua các báo Nước Nam số 282 (8-9-1945), ghi nhận được nội dung ngày Độc lập tại Hà Nội. Riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thực tế thì năm 1948 nhà cách mạng họ Võ mới được phong Đại tướng), là một thành viên quan trọng tham gia ngày lễ tại Ba Đình, hồi ức về ngày trọng đại ấy, được ông kể lại trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên.

Chiều hôm ấy “nắng mùa thu rất đẹp trên quảng trường Ba Đình từ giờ phút này đi vào lịch sử”. Riêng với lãnh tụ Hồ Chí Minh, lần đầu xuất hiện trước quốc dân với bộ ka ki cao cổ, dép cao su trắng, sự giản dị trong trang phục mà sau này, trở thành hình ảnh quen thuộc của lãnh tụ nước Việt Nam mới. “Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài. Bận một cái áo vàng cũ kỹ và đội một chiếc mũ lại ọp ẹp và cũ kỹ hơn nữa, người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một bộ mặt xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã hiện ra trên bộ quần áo cũ kỹ có lẽ đã nhuốm bao nhiêu sương gió khi người ấy bôn tẩu ở hải ngoại để xây đắp nền độc lập Việt Nam. Người ấy là chủ tịch Hồ Chí Minh”. Báo Trung Bắc Chủ nhật số 261, ra ngày 9-9-1945, đã có miêu tả hình ảnh vị lãnh tụ trong ngày lịch sử như thế.

Báo Nước Nam số 282, ngày 8-9-1945 lược thuật tiến trình tiến hành sự kiện lịch sử này. 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các Bộ trưởng đến vườn hoa Ba Đình. 14h30 lễ chào cờ được tiến hành trang nghiêm, mà lời kể của nữ chiến sĩ Đàm Thị Loan ở trên đã trình bày. 15 giờ, Hồ Chủ tịch chào quốc dân và tuyên bố nền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập đã vang lên trước gần một triệu đồng bào tham dự trực tiếp cũng như truyền qua sóng phát thanh.

Ghi nhận của báo Dân thanh số 1, ngày 4-9-1945, có gần 1 triệu đồng bào tham dự lễ Độc lập tại Ba Đình. Toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó được nhiều báo, tạp chí đăng để thông tin rộng rãi tới quốc dân. Có thể ghi nhận ở một số báo như báo Dân thanh số 1 (4-9-1945), Tri tân tạp chí số 203 (6-9-1945), Cờ giải phóng số 16 (12-9-1945)…

Sau đó, các Bộ trưởng tuyên thệ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nói về tình hình trong nước, ngoại giao. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu kể lại hành trình vào Huế và lễ thoái vị của vua Bảo Đại. 15h30, đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng kêu gọi đồng bào đoàn kết chặt chẽ để xây dựng nền độc lập của Tổ quốc. Tiếp theo, quốc dân làm lễ tuyên thệ. Sau đó, “Hồ Chủ tịch lại đứng lên khuyên đồng bào “bất kỳ ai, già, trẻ, gái, giai đủ các tầng lớp trong xã hội đều phải nhất tâm đoàn kết”. 16h30 buổi lễ bế mạc.

Với sự kiện lễ Độc lập tại Ba Đình, “lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Bản đồ thế giới phải sửa lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp đúc kết sự kiện ngày 2-9-1945.

Đọc thêm