Vinh quang ngày Độc lập tại Sài Gòn

Ngày 2-9-1945 từ trong ký ức - Kỳ 2:

Vinh quang ngày Độc lập tại Sài Gòn

(PLO)-  Ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn, cũng là ngày Chủ nhật, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức ngày Độc lập tại đường Cộng Hòa (đường Norodom cũ, nay là đường Lê Duẩn).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Hàng chục vạn đồng bào ngoại thành và lân cận như Bà Điểm, Hóc Môn, Chợ Đệm, Lái Thiêu, Tân An mang theo băng cờ, biểu ngữ kéo về cùng nhân dân thành phố mít tinh mừng ngày Độc lập của cả nước”, đó là ghi nhận của nhà cách mạng Nguyễn Thị Thập về lực lượng tham gia ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn nơi hồi ký Từ đất Tiền Giang. Còn Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky trong hồi ký Anh, nguồn cảm hứng cao thượng miêu tả lực lượng hôm đó, “thực sự là một biển người”.

Nếu ở Hà Nội ngày hôm đó trời đẹp, thì tại Sài Gòn, thỉnh thoảng lại có mưa và gió mạnh. Dẫu vậy, thời tiết không làm lay chuyển khí thế của quần chúng tham dự, “dưới cơn mưa từng chập, quần áo bị ướt nhiều, họ vẫn giữ chặt hàng ngũ, từng đoàn luôn giương cao hai lá cờ - cờ của Tổ quốc và cờ của đoàn mình - liên tiếp hàng mấy giờ liền hô to vừa hét vừa tung nắm tay một cách quyết liệt”, Trường Sơn Chí hồi tưởng. Những bài hát tràn đầy khí thế và quen thuộc vang lên, “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”, “Quốc tế ca”.

Trực tiếp tham dự sự kiện, có những chi tiết được Trường Sơn Chí minh định rõ trong hồi ký Anh, nguồn cảm hứng cao thượng. Đó là khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”... nhưng khẩu hiệu trìu mến “Hồ Chí Minh muôn năm” chưa có vì lúc ấy ở Nam Bộ chưa nhiều người được biết đến tên của Bác cùng công lao của Người với Tổ quốc. Thêm nữa, “lúc ấy bài Tiến quân ca của Văn Cao chưa kịp vào đến Nam Bộ”.

Lễ đài ngày Độc lập được đặt ở khu vực sau lưng Nhà thờ Đức Bà. Trên lễ đài tề tựu các ủy viên Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ. Biểu ngữ giăng trước lễ đài bằng tiếng Anh: "Independence or Death" (Độc lập hay là chết).

Theo chương trình dự kiến, đồng bào Sài Gòn sẽ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ đã đến. Hồi ký Saigon Septembre 45 của nhà báo Trần Tấn Quốc cho biết do không bắt được luồng điện 32 thước từ Hà Nội qua đài Bạch Mai (Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ đặt tại Bạch Mai), đồng bào Sài Gòn tham dự ngày Độc lập không nghe được Tuyên ngôn độc lập.

Trước tình huống đó, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu bước lên nói chuyện với đồng bào. Theo lời Ung Ngọc Ky, “tuy ứng khẩu (ông không chuẩn bị trước bài phát biểu) nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ”. Mở đầu bài phát biểu, nhà cách mạng họ Trần khẳng định sự thay đổi vận mệnh của nước Việt: “Việt Nam, từ một xứ thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam, từ một đế quốc [theo nghĩa nước có chế độ quân chủ], đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu”.

Lúc ấy ở Hà Nội, Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người, quyền dân tộc, thì tại Sài Gòn tinh thần đó cũng thể hiện: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập tự do. Độc lập tự do của chúng tôi không trái với độc lập tự do của bất cứ một dân tộc nào khác”. Tuyên ngôn độc lập kết thúc với tinh thần kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. “Tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”; “Thì chúng ta hãy thề cương quyết đứng cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”, lời vị đại diện Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ cũng đồng nhất với tinh thần của Tuyên ngôn độc lập.

Cũng tại ngày Độc lập ở Sài Gòn, quần chúng tham dự đã chung một lòng, thực hiện lời thề danh dự bảo vệ nền độc lập mới giành được. Nguyên văn lời thế ấy, được ghi lại: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam, xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chánh phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa thì chúng tôi kiên quyết: Không đi lính cho Pháp; Không làm việc cho Pháp; Không bán lương thực cho Pháp; Không dẫn đường cho Pháp. Xin thề”.

Dù mưa gió, nhưng khí thế của quần chúng tham dự ngày Độc lập lên rất cao. Vẫn hồi ký của Ung Ngọc Ky ghi nhận, tiếng hô các khẩu hiệu bị gió át đi, nhưng hai từ “muôn năm” thì nghe rõ mồn một: “Đến khi các sư đoàn dân quân cách mạng diễu hành rầm rập qua lễ đài thì tiếng quân nhạc, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay nổi lên như sấm dậy, tưởng chừng muốn nổ tung một khoảng bầu trời Sài Gòn”. Trang phục lực lượng cách mạng tuy còn nghèo nàn, mới tập hợp, nhịp bước còn chưa đều, “nhưng rất hùng dũng, gương mặt ai nấy thể hiện một tinh thần xốc tới, ngẩng cao đầy hùng khí và niềm tin”.

Lễ Độc lập tại Sài Gòn diễn ra trong không khí phấn khởi, mừng vui của nhân dân mừng đất nước giành được độc lập. Nhưng ngày lễ trọng đại còn đối mặt với sự chống phá của kẻ thù. Nhà cách mạng Phạm Văn Chiêu trong hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945-1954) ghi nhận: “Ngày 2-9-1945, giữa cuộc biểu tình chào mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ở Sài Gòn đã có những tiếng súng của bọn phản động trong nhà bắn vào đoàn biểu tình”.

Báo Dân thanh số 3, ngày 6-9-1945 trong bản tin Sau vụ xung đột Pháp Việt cho biết chiều ngày 2-9, 30 người Pháp đã gây ra cuộc xung đột giữa lúc quần chúng cách mạng cử hành lễ Độc lập. Vụ nổ súng này từ phía Pháp kiều được xác định từ Câu lạc bộ đường Norodom bắn ra.

Ngay sau khi sự gây hấn diễn ra, phía ta lập tức có phản ứng tức thì, “Đội xung phong của Chính phủ lập tức tiến tới bao vây và bắt được ngót 50 Pháp kiều cùng với một số Việt gian đều là thủ phạm vụ trên đây”, báo Dân thanh số 1, ngày 4-9-1945 thông tin.