Ngày 18-2, tàu thăm dò Perseverance (Kiên Trì) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức lăn bánh trên bề mặt sao Hỏa trong sự reo mừng của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm động cơ đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA ở TP.Pasadena, bang California, Mỹ.
Nhiệm vụ của Perseverance là khám phá lòng chảo Jezero, nằm phía bắc đường xích đạo của sao Hỏa, để tìm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật có thể đã sống trong môi trường nước cách đây ba triệu năm.
Bức ảnh màu đầu tiên chụp bề mặt sao Hỏa được gửi về từ tàu thăm dò Perseverance. Ảnh: NASA
Hôm 18-2, những hình ảnh đầu tiên do tàu thăm dò Perseverance ghi lại đã được gửi về NASA và chúng đều là các bức ảnh đen trắng. Đến ngày 19-2, Perseverance đã gửi những bức ảnh màu đầu tiêp chụp sao Hỏa về trái đất, cho thấy một màu đỏ đặc trưng, chân thực của hành tinh này.
"Các nhà khoa học dưới trái đất đã rất phấn khích khi nhìn thấy những tảng đá có nhiều lỗ nhỏ do quá trình trầm tích hoặc núi lửa gây ra" - Quản lý chiến lược nhiệm vụ thăm dò Pauline Hwang cho biết.
Ảnh chụp bề mặt sao Hỏa được gửi về từ tàu thăm dò Perseverance. Ảnh: NASA
Perseverance là tàu thám hiểm thứ năm được NASA phóng lên sao Hỏa. Tàu thăm dò có một máy khoan và các dụng cụ khác để thu thập các mẫu đất và đá trên sao Hỏa. Nó cũng bao gồm các thiết bị chuẩn bị cho chuyến thám hiểm hành tinh Đỏ trong tương lai, bao gồm một cỗ máy có kích thước nhỏ giúp tạo ra oxy từ carbon dioxide trên sao Hỏa.
Ngoài ra, tàu Perseverance còn mang theo một chiếc trực thăng nhỏ bé có tên Ingenuity. Chiếc trực thăng này sau đó sẽ có chuyến bay kéo dài 30 ngày khắp bề mặt sao Hỏa để giúp ghi lại hình ảnh và video về hành tinh này.
Phó quản lý dự án Perseverance, bà Jennifer Trosper chụp ảnh với mô hình tàu Perseverance. Ảnh: NASA
Mục tiêu chính của nhiệm vụ lần này là tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa. Ngoài ra, NASA cũng sẽ nghiên cứu các lớp đất đá, trầm tích trên sao Hỏa hòng mong tìm hiểu thêm về lịch sử hình thành của hành tinh này.