Cách đây vài tuần, Trung Quốc đã chia sẻ hình ảnh về một vật chất bí ẩn trên bề mặt mặt trăng đã làm xôn xao giới nghiên cứu thế giới. Mới đây, họ đã công bố một hình ảnh mới, mở ra thêm nhiều dự đoán về loại vật chất này.
Với những bức ảnh trước đây, vật chất này trông giống như một loại bụi bẩn nào đó. Nhưng bức ảnh mới đây với chất lượng tốt hơn đã giúp nâng cao khả năng xác định nguồn gốc và bản chất của loại vật chất này.
Hình ảnh về loại vật chất mới trên bề mặt mặt trăng. Ảnh: NASA
Xe tự hành trên mặt trăng Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc đã đi đến vùng tối trên vệ tinh này vào ngày 2-1 năm nay. Nhiều tháng sau đó, nó tình cờ phát hiện một vật chất lạ trong lần thứ hai đi qua một miệng núi lửa rộng 2 m.
Dựa vào hình ảnh mới nhất, các nhà khoa học có thể nhận định rằng: loại vật chất lạ này là một dạng tinh thể có màu tối được hình thành do ảnh hưởng của một vụ va chạm giữa mặt trăng và các thiên thạch trong không gian.
Vụ nổ có khả năng đã tạo ra một áp lực lớn và làm nóng các vật chất trên bề mặt vệ tinh này, tạo thành một vật chất tương tự như những gì các phi hành gia Apollo 17 đã tìm thấy trước đó.
"Tôi nghĩ rằng thông tin đáng tin cậy nhất bây giờ là vật chất này tương đối sẫm màu" - ông Dan Moriarty, một thành viên thuộc Chương trình Nghiên cứu Tiến sĩ NASA ở Trung tâm Du hành không gian Goddard, cho biết.
"Có vẻ như có một vật chất sáng hơn nằm giữa một vùng tối và rộng hơn, mặc dù vẫn có khả năng đây chỉ là ánh sáng phản chiếu trên bề mặt nhẵn".
Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 sẽ tiếp tục hoạt động thám hiểm ở vùng tối của mặt trăng sau hai tuần tạm dừng. Do đó, đợt thám hiểm tới đây hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều thông tin giải đáp cho những thắc mắc hiện tại.