Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) từ ngày 9 đến ngày 11-7. Hội nghị lần này xoay quanh các chủ đề phòng thủ, hỗ trợ Ukraine và quan hệ với các đối tác.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới ít nhiều cũng ảnh hưởng chương trình nghị sự của hội nghị, cụ thể là khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại nắm quyền.
Trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2017 đến 2021, ông Trump đã đưa ra nhiều cảnh báo về mối quan hệ giữa Mỹ với NATO. Gần đây, cựu tổng thống cũng cảnh báo nếu ông tái đắc cử, ông có thể không tôn trọng Điều 5 Hiến chương NATO về nguyên tắc phòng thủ tập thể – nguyên tắc nền tảng của NATO.
Nền tảng quan trọng của NATO
Được thành lập vào năm 1949, NATO đã trở thành đại diện cho mối quan hệ đối tác cơ bản giữa Bắc Mỹ và châu Âu dựa trên các giá trị chính trị và kinh tế chung. Ban đầu, tổ chức này có 12 thành viên. Đến nay, số thành viên của tổ chức này tăng lên 32 sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập lần lượt vào năm 2023 và 2024.
Điều 5 trong Hiến chương NATO liên quan phòng thủ tập thể, “gắn kết các thành viên của tổ chức lại với nhau, cam kết bảo vệ lẫn nhau và thiết lập tinh thần đoàn kết trong liên minh”. Điều 5 xác định rằng một cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên của tổ chức này.
Đến nay, Điều 5 chỉ được kích hoạt 1 lần, sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc tại Mỹ. Các thành viên NATO sau đó đã sử dụng các máy bay thuộc Hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo Trên không để giúp tuần tra trên bầu trời Mỹ. Tiếp theo đó, các nước tổ chức hoạt động giám sát tàu thuyền ở Địa Trung Hải, tham gia cuộc chiến ở Afghanistan và huấn luyện binh lính Iraq.
Tại sao NATO lo ngại ông Trump?
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã có lời cảnh báo cho các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Ông Trump cho rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các nước NATO nên phụ thuộc vào việc chi tiêu quân sự của họ có đủ cao hay không.
Theo ông Trump, Mỹ đã gánh gánh nặng không tương xứng đối với hoạt động phòng thủ tập thể của NATO. Theo số liệu của NATO, Mỹ chi 3,38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, trong khi mức trung bình của các thành viên khác của NATO là 2,02%.
Trong bài phát biểu trước lãnh đạo các nước NATO tại Brussels (Bỉ) vào tháng 5-2017, ông Trump đã kịch liệt chỉ trích các thành viên của tổ chức về việc chi tiêu quốc phòng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump nhiều lần chỉ trích rằng một số thành viên NATO chưa đạt được mức chi ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng. Vào ngày 10-2, ông Trump nói rằng nếu trở thành tổng thống một lần nữa, ông sẽ khuyến khích Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các thành viên không đáp ứng yêu cầu nói trên.
Tất cả nhà lãnh đạo NATO đều quan ngại việc ông Trump quay lại?
Theo tờ The Washington Post, bên trong nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh năm nay, các nhà lãnh đạo NATO không thường công khai nhắc về ông Trump. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ vẫn có sức ảnh hưởng trong hội nghị lần này.
Bà Andrea Kendall-Taylor – Giám đốc chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại trung tâm nghiên cứu An ninh mới của Mỹ – cho biết: “Nếu chúng tôi bầu ông ấy lần thứ hai, thì tôi nghĩ rằng, từ quan điểm của người châu Âu, điều đó đặc biệt nói lên hướng đi của chúng tôi. Ngày càng có lo ngại rằng Mỹ sẽ ít cam kết hơn với châu Âu trong thời gian dài”.
Dù quan điểm của ông Trump khá cứng rắn nhưng không nhiều nhà hoạch định chính sách châu Âu tin rằng ông Trump sẽ chính thức rút Mỹ khỏi NATO. Quốc hội Mỹ gần đây cũng thông qua luật yêu cầu phải có 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý thì Mỹ mới được đệ đơn rút khỏi NATO.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể tốt cho NATO, đặc biệt nếu điều đó thúc đẩy các nước châu Âu phải chi nhiều hơn cho nền quốc phòng.
“Điều tôi luôn nói với người châu Âu là: ‘Đừng lo lắng về Trump nữa. Bạn đã làm điều này trước đây, bạn đã làm điều này trong 4 năm. Chắc chắn [ông Trump] có một số lời lẽ và ngôn ngữ cứng rắn khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng những chính sách mà ông Trump đưa ra đối với châu Âu không hề gây tổn hại cho NATO” – bà Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nêu quan điểm.
Các nhà hoạch định chính sách cũng hy vọng Tổng thư ký sắp tới của NATO – ông Mark Rutte có thể xử lý khéo léo mối quan hệ giữa NATO với Mỹ, trong trường hợp ông Trump tái đắc cử. Trên thực tế, Tổng thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg cũng được ông Trump đánh giá cao về cách làm việc.
Ông Camille Grand – cựu trợ lý tổng thư ký NATO – cho biết: “Ông [Stoltenberg] đã đưa ra một quyết định rất sáng suốt là không gây chiến với tổng thống Mỹ, không thách thức ông ấy một cách công khai hay riêng tư”.
Bà Oana Lungescu – người phát ngôn của NATO từ năm 2010 đến 2023 – cũng ca ngợi ông Trump vì đã thúc đẩy các nước thành viên NATO chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn.
“Các số liệu là có thật. Nó đang mang lại kết quả, rằng NATO là một chiến thắng” – bà Lungescu nói.