KỂ CHUYỆN BÁO CHÍ ĐIỀU TRA Ở TRUNG QUỐC - BÀI CUỐI

Nén bạc đâm toạc tờ báo

Bốn phóng viên của Tân Hoa xã và bảy phóng viên báo khác lập tức có mặt nhưng thay vì đưa thông tin về thảm họa lên báo, họ gợi ý và ngậm tiền rồi… im lặng.

Trước khi hai phóng viên Lưu Trường và Sài Kế Quân của nhật báo Tuổi Trẻ Trung Hoa tiếp cận được hiện trường vụ nổ mỏ vàng ở tỉnh Sơn Tây, 11 phóng viên của bốn tờ báo khác đã lặng lẽ cầm tiền và vàng từ chính quyền địa phương để chỉ làm một việc là im lặng. Đó là một trong những vụ bê bối lớn của giới truyền thông Trung Quốc năm 2002-2003.

Đe dọa và bịt miệng

Lưu Trường và Sài Kế Quân lên đường đến thị trấn Sơn Hà, tỉnh Sơn Tây hẻo lánh ở tây bắc Trung Quốc vào một ngày cuối tháng 6-2002 với bốn số điện thoại của nguồn tin kèm theo lời dặn: “Người của mỏ ở khắp nơi, theo dõi chúng tôi rất chặt. Đừng gọi, trừ trường hợp khẩn cấp”.

Nguồn tin của họ tự xưng là Hồ. Ông gọi đến tòa soạn Tuổi Trẻ Trung Hoa sáng 26-6 với giọng điệu lo âu. Tất cả thông tin ông cung cấp là một vụ nổ đã xảy ra ba ngày trước đó tại mỏ vàng Nghi Hưng Tây ở Sơn Hà khiến hơn 50 thợ mỏ chết, trong đó có bạn thân của ông. Cho đến khi đó, vẫn chưa tìm thấy các thi thể và nguồn tin này cầu cứu sự can thiệp của tòa báo.

Trưởng ban Thời sự Hạ Tường cảm thấy điều gì đó nghiêm trọng đằng sau vụ việc. Tại sao một chuyện lớn như vậy lại không được báo nào đưa tin suốt ba ngày qua? Phải chăng có một bí mật nào đó đang bị che giấu? Lưu Trường và phóng viên ảnh Sài Kế Quân lập tức lên đường.

Thị trấn Sơn Hà bị các nhân viên an ninh của công ty khai thác mỏ kiểm soát gắt gao. Lưu Trường và Sài Kế Quân được nguồn tin dặn phải giữ bí mật tuyệt đối trong lúc thuê khách sạn, đi lại cũng như hạn chế nói chuyện khi ra đường vì sợ lộ giọng địa phương khác.

Khó khăn lắm Lưu Trường mới gặp được nguồn tin. Anh được biết vụ nổ xảy ra ngày 22-6 và ngay sau đó người thân của các nạn nhân đã tới Sơn Hà để tìm kiếm các thi thể. Nhưng họ bị công ty khai thác mỏ ngăn cản. Họ được công ty yêu cầu ký một cam kết im lặng để nhận lấy 25.000 nhân dân tệ kèm lời đe dọa: Nếu không sẽ không ai còn sống để rời khỏi Sơn Hà. Vài người đã ký và về nhà. Các nhân chứng của Lưu Trường thì kiên quyết ở lại.

Nén bạc đâm toạc tờ báo ảnh 1

Nén bạc đâm toạc tờ báo ảnh 2

Sách Báo chí điều tra ở Trung Quốc của David Bandurski và Martin Hala thuật lại cuộc chiến chống tiêu cực của các nhà báo Trung Quốc. Ảnh: hongkong.universityressscholarstrip.com

Người chết biến mất, báo chí câm lặng

Điều đặc biệt là Lưu Trường nhận được sự dò xét, nghi ngờ của các nhân chứng. “Có đúng anh là nhà báo không? Chúng tôi không muốn bị lừa”. Sau này anh mới biết rằng những người dân đã nhìn thấy một vài khuôn mặt lạ, có vẻ là nhà báo, đến hiện trường ngay hôm mới xảy ra vụ nổ. Dân nghi ngờ mấy “nhà báo” này đã nhận tiền của công ty khai thác mỏ để im lặng.

Các nhân chứng cung cấp: Chủ mỏ vàng đã ép công nhân xuống giếng mỏ ngay cả khi 170 thùng thuốc nổ (mỗi thùng khoảng 24 kg) đã được chuyển vào đấy trong hai ngày trước đó. 1 giờ chiều 22-6-2002, công nhân phát hiện thấy khói và mùi khét bốc ra từ hệ thống dây điện, dấu hiệu của quá tải. Mặc dù công nhân thông báo chuyện này nhưng chủ mỏ vẫn kiên quyết buộc họ tiếp tục lao động. Nửa giờ sau dây điện bắt đầu cháy. Lửa bén đến kho thuốc nổ. Một tiếng nổ long trời lở đất. Khói dày đặc bao trùm lối vào mỏ đến tận 3-4 giờ sau mới tan.

Thảm họa làm 46 người thiệt mạng.

Ngay sau đó công ty đưa các thi thể đi đâu mất. Trước mặt giới chức điều tra và báo chí, công ty thông báo chỉ có hai thợ mỏ chết và bốn người bị thương. Nhưng điều quan trọng là rốt cuộc không thấy tin tức nào về vụ nổ xuất hiện trên các báo.

Dù nhận hối lộ vẫn là anh em!

Một tuần sau vụ nổ, ngày 29-6-2002, bài báo đầu tiên của Lưu Trường và Sài Kế Quân xuất hiện trên tờ Tuổi Trẻ Trung Hoa. Lập tức nó gây chấn động dư luận. Các báo khác lập tức cử phóng viên tới hiện trường. Công an bắt giam một loạt nghi phạm, trong đó có chủ mỏ và hai cổ đông của công ty. Công an tìm ra địa điểm giấu thi thể các nạn nhân, đó là một huyệt mộ tập thể được chôn nông, xác chồng chất lên nhau.

Tháng 10 năm đó, Lưu Trường được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mời tham dự một chương trình tọa đàm nhân kỷ niệm ngày nhà báo Trung Quốc. Một phút trước khi bước vào trường quay, anh nhận được một cuộc gọi bất thường. Người ở đầu dây bên kia chỉ xưng là một cán bộ điều tra cao cấp và thông báo với anh rằng một số phóng viên của Tân Hoa xã đã nhận tiền và vàng để che giấu thảm họa tại mỏ Nghi Hưng Tây.

Lưu Trường tìm cách xác minh thông tin này, nhiều cán bộ điều tra xác nhận với anh có chuyện như thế nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Cho đến đầu năm 2003, Lưu Trường vẫn cố gây áp lực để các cơ quan điều tra xúc tiến vụ này nhưng thất bại. Anh quyết định viết một báo cáo gửi các lãnh đạo cao nhất của Đảng, đề nghị cơ quan chức năng công khai kết quả điều tra. Một ủy viên Bộ Chính trị đã có “bút phê” yêu cầu các cơ quan liên quan công bố kết quả điều tra.

Trong khi đó, một cuộc tranh luận nảy lửa cũng nổ ra trong nội bộ tòa soạn Tuổi Trẻ Trung Hoa. Một bên có quan điểm dù thế nào cũng phải có trách nhiệm bảo vệ đồng nghiệp, ngay cả khi phóng viên của Tân Hoa xã vi phạm đạo đức báo chí thì tất cả vẫn là… anh em trong làng báo.

Nhưng Lưu Trường và một số người khác không nghĩ vậy. Với anh, uy tín là thứ duy nhất mà một tòa báo cam kết với công chúng, chưa kể công chúng có thứ quyền tối cao là quyền được biết.

Công bố tên nhà báo ăn bẩn ra ánh sáng

Trong khi đó, khi gặp nhau tại các cuộc họp ở trường đảng, Tổng Biên tập Tuổi Trẻ Trung Hoa Lý Học Khiêm đã trao đổi với lãnh đạo Tân Hoa xã. Hai bên nhất trí không có lý do gì để đẩy vụ việc đi xa hơn: Báo chí phải đoàn kết với nhau. Bài báo của Lưu Trường về việc “Các chủ mỏ đã đút tiền cho phóng viên Tân Hoa xã như thế nào” bị tổng biên tập rút, không cho đăng.

Ngày 18-8-2003, Lưu Trường nhận được tin chương trình Phóng sự Điều tra của CCTV đang chuẩn bị phát sóng về thảm họa mỏ Nghi Hưng Tây. Mặc dù chưa biết nội dung cụ thể của bên truyền hình sẽ như thế nào nhưng anh vẫn báo lại với tòa soạn, cố đề nghị ban biên tập đăng bài về vụ hối lộ. Cuối cùng, nội dung bài báo vẫn được đăng dù chỉ vài dòng ngắn gọn.

Gần một tháng sau, Tân Hoa xã mới chính thức có phản ứng về lời buộc tội. Cơ quan này thừa nhận (tuy không nêu tên tuổi cụ thể những người liên quan) rằng có 11 phóng viên “đã nhận tiền mặt và vàng từ chủ mỏ và nhiều người khác, phạm tội nghiêm trọng về kinh tế”.

Công luận lập tức phản ứng, độc giả và nhiều nhà báo lên tiếng đòi phải công khai thông tin chi tiết. Bản tin cuối cùng của Tân Hoa xã ngày 27-9-2003 đã làm cho Lưu Trường phải sửng sốt: Họ công bố danh sách 11 phóng viên nhận hối lộ, gồm cả người của Tân Hoa xã và ba tờ báo địa phương: Kinh Tế Sơn Tây, Pháp Luật Sơn Tây, Sơn Tây Tin Sáng.

Nhận phong bì rồi vẫn còn xin thêm

Theo kết quả điều tra, Thiện Bào Oanh, Trưởng đại diện của Tân Hoa xã tại Sơn Tây, đã nhận 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.900 USD) từ một quan chức địa phương, mà ông quan chức này thì bị Vương Toàn Toàn - chủ mỏ vàng Nghi Hưng Tây thao túng. Bào Oanh cùng với ba phóng viên khác của Tân Hoa xã có mặt tại đây ngay đêm xảy ra vụ nổ và đến thẳng văn phòng của chính quyền địa phương làm việc. Sau khi nhận mỗi người 20.000 nhân dân tệ, họ còn đòi thêm một chút cho mấy “người anh em” khác. Vị quan chức đã đưa thêm cho mỗi người 2.400 nhân dân tệ kèm theo một thỏi vàng.

Cánh phóng viên của ba tờ báo địa phương kia cũng có mặt tại hiện trường trong đêm đó, nói chuyện, phỏng vấn thân nhân những người chết, mục đích chủ yếu là dọa ban quản lý mỏ. Sau đó họ trực tiếp gặp Vương Toàn Toàn đề đạt và được chi mỗi người 30.000 nhân dân tệ.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm